
"Khi đào móng làm hệ thống cầu dẫn vào Hoàng Thành, chúng tôi bất ngờ "đụng" phải xác một con thuyền cổ còn khá nguyên vẹn ở khá sâu dưới đất cùng với một mảnh mái chèo bị vỡ" - PGS, TS Tống Trung Tín, phụ trách công trường khai quật 18 - Hoàng Diệu (Hà Nội) đã thông báo như vậy vào chiều 16-1, nhân dịp khánh thành khu nhà mái che di tích này.

Hệ thống mái che vừa được hoàn thành để bảo vệ di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Đó là một chiếc thuyền gỗ mầu đen, dài khoảng 1,5m, rộng khoảng 1m.
PGS Tín cho biết, vị trí của con thuyền chính là cạnh của dòng sông cổ chảy xuyên qua khu vực Hoàng Thành. Con sông này khá rộng, là "đường giao thông" giữa các cung điện thời xưa, đồng thời cũng là nơi tiêu nước.
Điều đó trùng hợp với chi tiết chép trong sử cũ là vào đời Trần, có năm Hoàng Thành bị ngập nước, một vị trong hoàng tộc còn đi thuyền để tới các cung điện...
Theo PGS Tín, đây là hiện vật bằng gỗ, kinh phí bảo quản rất lớn, phải mời các chuyên gia nước ngoài vào. Công trường khai quật 18 đã tạm thời lấp cát lại, để tiếp tục làm cầu dẫn ở trên.
Nhưng do đây là một hiện vật đặc biệt, một minh chứng sống động và hấp dẫn về cuộc sống trong Hoàng Thành xưa, nên công trường đã cho đặt một tấm ảnh con thuyền y như thật (tỷ lệ 1:1) lên chính vị trí đã tìm thấy con thuyền, rồi làm lồng kính bên trên và chiếu đèn ở dưới cho du khách có thể tham quan, bảo đảm không khác gì xem hiện vật thật.
(Theo Nhân Dân)