Phát huy tiềm năng TPHCM - Chuyển dịch kinh tế phát triển bền vững

Với Hiệp định TPP vừa ký kết, dự báo GDP Việt Nam tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 và kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng gấp đôi so với hiện nay, vào năm 2020 sẽ đạt 50 tỷ USD. Năm 2016 được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu và sự gia tăng mạnh về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không nhỏ để TPHCM tái cấu trúc sản xuất nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Phát huy tiềm năng TPHCM - Chuyển dịch kinh tế phát triển bền vững

Với Hiệp định TPP vừa ký kết, dự báo GDP Việt Nam tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 và kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng gấp đôi so với hiện nay, vào năm 2020 sẽ đạt 50 tỷ USD. Năm 2016 được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu và sự gia tăng mạnh về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không nhỏ để TPHCM tái cấu trúc sản xuất nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Xây dựng thương hiệu TPHCM

TPHCM sẽ được quốc tế biết nhiều hơn và GDP sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi chúng ta vận động để TPP đặt văn phòng hành chính, chi nhánh tại đây. Thực tiễn cho thấy khi văn phòng của WTO đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) hoặc OPEC đặt tại Vienna (Áo), các nơi đó đều khẳng định được tiềm lực của mình trên trường quốc tế. Thiết nghĩ, TPHCM có thể làm được điều này vì: Việt Nam là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dệt may đứng thứ hai trên thế giới; Việt Nam có nền kinh tế - chính trị - xã hội ổn định; TPHCM là trung tâm thương mại của cả nước. Nếu thực hiện được điều này, chắc chắn các hội nghị và triển lãm quốc tế liên quan đến TPP được ưu tiên tổ chức tại TPHCM, sẽ thu hút nhiều hơn các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tập đoàn và thương hiệu lớn trên thế giới đến đặt trụ sở hoặc văn phòng khu vực. Từ đó, TPHCM trở thành tâm điểm thu hút các tập đoàn đầu tư với nhiều chuyên gia công nghệ cao sẽ đến làm việc.

Hiện nay, doanh nghiệp thành phố đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, máy móc thiết bị, công nghệ và trình độ quản lý yếu, thiếu kinh phí đầu tư máy móc thiết bị mới và khảo sát thị trường mới trong TPP. Doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ mới không đầu tư vào thành phố vì thiếu nguồn lao động chất lượng cao, chi phí thuê mặt bằng cao gấp rưỡi các tỉnh thành khác (Tây Ninh, Bình Dương, Long An…), cơ sở hạ tầng bất cập, vẫn còn các rào cản về thủ tục hành chính dẫn đến chi phí doanh nghiệp cao. Trong khi đó, thành phố lại đang có những thế mạnh chưa được khai thác hết: Các viện, trường đại học, sở chuyên ngành tập trung nhiều nhà khoa học và chuyên gia, nhưng sản phẩm tạo ra chưa đi vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chỉ dừng ở các đề tài nghiên cứu, trong khi đó doanh nghiệp cần các đề án khoa học - công nghệ mang tính ứng dụng thực tiễn. Về lao động, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng cho doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ và mang tính công nghệ cao. Để TPHCM trở thành động lực thu hút đầu tư thời kỳ mới, cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn trên.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh mới đang mở ra, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển khoa học công nghệ, bằng cách có chính sách cạnh tranh để thu hút đầu tư mới máy móc thiết bị, công nghệ cao từ các tập đoàn quốc tế và doanh nghiệp trong nước, như phát triển các định chế tín dụng, quỹ tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kéo giảm chi phí lãi suất đầu tư mới.

Để có sản phẩm mới từ ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp phải đầu tư bộ phận nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia nước ngoài. Do vậy cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước làm ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; có chính sách đãi ngộ tương xứng các nhà khoa học trong nước với những đề tài ứng dụng thực tế thành công tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách tận dụng chuyên gia quốc tế đến đào tạo và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Để trở thành trung tâm sáng tạo - phát triển, TPHCM phải kết nối các sở, ngành, viện, trường đại học và các chuyên gia quốc tế bằng việc lập Viện Nghiên cứu phát triển và đào tạo, từ đó nghiên cứu xu hướng của từng ngành trên thế giới để hoạch định chiến lược phát triển; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những ngành mũi nhọn của thành phố. Doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh mới cũng cần tư vấn kịp thời về thị trường, thuế suất, luật chơi, hàng rào kỹ thuật… tại từng quốc gia. Song song đó, hỗ trợ chi phí doanh nghiệp để xúc tiến vào các thị trường này, đặc biệt là Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Công nhân làm việc trong xưởng dệt Thái Tuấn  Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Bởi hiện nay doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhưng thiếu các vệ tinh cung cấp sản phẩm trong chuỗi giá trị. Làm được những việc này, sẽ là lực đẩy tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, thành phố sẽ có nhiều sản phẩm chủ lực để xuất khẩu vào TPP, từ đó góp phần đảm bảo nguồn thu ổn định và bền vững.

Trung tâm thời trang vùng Viễn Đông

Hiện nay ngành công nghiệp thời trang tạo giá trị gia tăng rất cao, nhưng hàng năm phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu, tiêu tốn ngoại tệ không nhỏ. TPP là cơ hội lớn để ngành dệt may TPHCM gia nhập chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Để chuỗi giá trị dệt may thành công phụ thuộc vào các yếu tố thiết kế, thương hiệu và phân phối. Năm 2014, thành phố đã phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may TPHCM đến năm 2020, định hướng đến 2030”, để tận dụng tốt nhất cơ hội TPP, đưa TPHCM trở thành Trung tâm thời trang vùng Viễn Đông, tôi đề xuất có chính sách thu hút các nhà đầu tư quốc tế và trong nước đầu tư vào ngành công nghiệp thời trang với các chính sách khuyến khích như hỗ trợ lãi suất các sản phẩm công nghiệp (vải, sợi, hóa chất); thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghiệp thời trang tập trung vào 3 khâu thiết kế - thương hiệu - phân phối; hợp tác với chuyên gia quốc tế nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo các công nghệ vào khâu thiết kế để đưa ra các sản phẩm tạo giá trị gia tăng cao theo 3 xu hướng của thế giới: Thông minh - Xanh - Sáng tạo; kết hợp với các chuyên gia để đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cao ngành may mặc đối với TPHCM.

Mặt khác, cần xây dựng trung tâm trưng bày vải sợi, sản phẩm công nghiệp thời trang nhằm thu hút các nhãn hiệu thời trang quốc tế đến hợp tác và làm việc; vận động các nhà tổ chức sự kiện thời trang quốc tế đưa các sàn cat walk, các hội nghị, triển lãm liên quan về thời trang, hội chợ về TPHCM (giống như Paris, New York thường tổ chức định kỳ hàng năm). Qua các sự kiện này, các ngành dịch vụ có liên quan cũng sẽ phát triển, góp phần thúc đẩy GDP tăng trưởng.

Nếu có đề án rõ ràng và triển khai quyết liệt, tôi tin TPHCM sẽ trở thành trung tâm kết nối và lan tỏa ngành dệt may, đưa TP trở thành trung tâm thời trang của vùng Viễn Đông, chiếm lĩnh các thị trường lớn, từ đó kéo theo sự phát triển của các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, logistic... Điều này cũng nhằm khi Thái Lan, Indonesia - những nước có ngành dệt may phát triển đang mong muốn gia nhập TPP - nếu có gia nhập cũng không thể bắt kịp Việt Nam. Với vị trí trung tâm thời trang, TPHCM sẽ giữ vai trò “con sếu đầu đàn”, vừa phát triển theo đúng thế mạnh của mình, vừa kéo các tỉnh thành khác cùng phát triển. 

Công nghiệp TPHCM tuy có tăng trưởng giá trị sản xuất nhưng giá trị gia tăng chưa tương xứng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tạo được sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh cao. Mới đây Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra nhiều giải pháp mới tạo động lực tăng trưởng. Trong tương lai gần, với sự quyết tâm và đổi mới quyết liệt, tôi tin tưởng TPHCM sẽ có bước phát triển bứt phá, cạnh tranh ngang tầm với các nước trong khu vực.

THÁI TUẤN CHÍ, đại biểu HĐND TPHCM

Tin cùng chuyên mục