Những năm gần đây, khi Việt Nam hòa nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực thì càng có nhiều trí thức, nhà khoa học Việt kiều về nước định cư lâu dài và làm việc tại Việt Nam. Cùng với doanh nhân Việt kiều và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các trí thức, nhà khoa học Việt kiều khi về nước làm việc đã góp phần kéo theo lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2015 lên tới 12,25 tỷ USD (trong đó TPHCM chiếm 5,5 tỷ USD) - cao nhất từ trước đến nay. Qua đó cho thấy trí thức Việt kiều luôn vững tin vào đường lối đúng đắn, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới của đất nước. Nhưng so với tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đông đảo trí thức và nhà khoa học thì kết quả thu được còn hạn chế. Yêu cầu đặt ra trong những năm tới là cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khai thác một cách hiệu quả nguồn lực này để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chính vì yêu cầu này, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2016-2020) nêu rõ: “Khuyến khích các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ tại Việt Nam”.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống, lao động, học tập tại 109 nước và vùng lãnh thổ, tăng 40% so với cách đây 10 năm, trong đó khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức có trình độ từ đại học trở lên. Đa số trí thức Việt kiều dù sống xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa, luôn hướng về quê hương. Họ luôn mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, sẵn sàng làm cầu nối giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Thế hệ trẻ giới trí thức đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, cũng mong muốn tìm về cội nguồn. Bình quân hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức Việt kiều về nước làm việc, tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Trí thức Việt kiều thường trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, các hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; làm cầu nối cho các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cung cấp thông tin cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…
Riêng ở TPHCM, chính quyền TP rất coi trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển thành phố. Gần đây, TPHCM thực hiện chính sách bố trí, sử dụng trí thức Việt kiều đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu công nghệ cao... Hiện nay có hàng trăm chuyên gia, trí thức từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại TPHCM. Tuy nhiên, theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, công tác vận động phát huy nguồn lực trí thức chưa tương xứng với tiềm năng, tiềm lực của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. TP vẫn chưa thu hút được nhiều chuyên gia, trí thức đầu đàn trên lĩnh vực quản lý, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trực tiếp tham gia tư vấn, hợp tác trong và ngoài nước. Vai trò làm cầu nối của kiều bào trong hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ chưa được phát huy đúng mức.
Không chỉ vào các ngày tết cổ truyền dân tộc mà trong các cuộc hội thảo, ký kết hợp tác nghiên cứu, đào tạo, đầu tư kinh doanh mà đối tác là các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều, lãnh đạo TPHCM đều tranh thủ gặp gỡ, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của họ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Nhiều ý kiến đề xuất, TP cần thành lập thêm các cơ sở nghiên cứu khoa học, tạo ra những doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp nhận công nghệ và các chuyên gia từ các nước trở về sinh sống và làm việc với chế độ đãi ngộ phù hợp, bao gồm từ hạ tầng cơ sở làm việc, nơi ăn ở, đi lại…
Về lĩnh vực kinh tế, trí thức Việt kiều cho rằng, Nhà nước cần cụ thể hóa và minh bạch hóa các chính sách kêu gọi đầu tư, có các đột phá trong việc tạo ra khác biệt ưu đãi giữa Việt Nam và các nước lân cận… Hoặc tăng cường năng lực cho các tổ chức hội doanh nghiệp Việt Nam ở các nước làm đầu mối tư vấn về mọi mặt pháp luật và thị trường, kết nối bạn hàng, hỗ trợ cho hàng hóa của nhau thâm nhập các thị trường bản địa, liên kết với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiêp trong nước, hỗ trợ các điều kiện pháp lý và hạ tầng cho việc thành lập văn phòng đại diện của các ngân hàng Việt Nam ở các nước, chính sách quốc gia phát triển thương hiệu không phân biệt của doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước…
Từ năm 2016, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực với quy mô, tầm mức lớn hơn, do vậy, Nhà nước cần có thêm chính sách, giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút và phát huy mạnh mẽ nguồn lực trí thức Việt kiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
TUẤN SƠN