Mới đây, trong dịp đến dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nhân kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Trong thời gian qua, mặt trận các cấp đã phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát động nhiều phong trào thi đua và nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Trong những thành tích của mặt trận các cấp, cần phải nhắc đến một thành tích rất nổi bật là đã phát huy có hiệu quả truyền thống đại đoàn kết và tình cảm nhân ái, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng. Đặc biệt, tại TPHCM, các cuộc vận động đầy tình người như: cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xây nhà tình nghĩa - nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo, gây quỹ học bổng chăm lo học sinh nghèo hiếu học, thực hiện các công trình dân sinh… đều nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân, tạo ra sức lan tỏa thành phong trào trong cả nước.
Truyền thống đại đoàn kết và tình cảm nhân ái của nhân dân được phát huy và phát triển, chính là cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xã hội của Đảng và Nhà nước. Những chương trình xã hội có chủ trương đúng, hợp lòng dân luôn huy động được sự hưởng ứng nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân.
Với việc triển khai cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” và tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mặt trận các cấp đã đưa nhiều chương trình công tác đi vào chiều sâu và đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý trong việc khơi sức dân để chăm lo cho dân. Chương trình xóa đói giảm nghèo đã đa dạng hóa các phương thức trợ vốn. Chương trình vì người nghèo đã gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong việc bình xét và vận động tương trợ ngay ở từng địa bàn dân cư.
Phong trào “người tốt, việc tốt” được chăm chút phát động và nhân rộng đã ươm trồng được ngày càng nhiều bông hoa đẹp cho cuộc sống. Mặt trận các cấp đã có ý thức chú trọng thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều mặt hạn chế trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tổ chức và hoạt động của mặt trận và các tổ chức thành viên ít nhiều đều có xu hướng hành chính hóa so với yêu cầu về phương pháp dân vận. Việc thực thi dân chủ vẫn còn một số biểu hiện chỉ nặng phần hình thức như có những nơi mặt trận tổ chức tiếp xúc giữa đại biểu dân cử với cử tri nhưng trong số cử tri được mời dự lại không thấy có cử tri là quần chúng. Cán bộ mặt trận là những người gần gũi với quần chúng nhưng vẫn có không ít người chưa thật mạnh dạn lên tiếng bênh vực những quyền lợi chính đáng của quần chúng.
Cũng có trường hợp mặt trận địa phương chỉ dồn sức vào hoạt động xã hội từ thiện, thiếu chú trọng các nội dung và phương thức hoạt động khác.
Để khắc phục được những mặt hạn chế đó, không thể chỉ bằng nỗ lực chủ quan của mặt trận các cấp mà đòi hỏi phải có sự chuyển động mạnh mẽ, đồng bộ của hệ thống chính trị ở từng địa phương, tạo điều kiện cho mặt trận thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, đại diện cho lợi ích chính đáng của quần chúng.
HUỲNH THANH LUÂN