Phát triển doanh nghiệp, thịnh vượng quốc gia

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay diễn ra trong bối cảnh nước ta và 11 nước khác vừa đạt được thỏa thuận cuối cùng cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 5 năm đàm phán căng thẳng.

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay diễn ra trong bối cảnh nước ta và 11 nước khác vừa đạt được thỏa thuận cuối cùng cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 5 năm đàm phán căng thẳng.

Điều này đã thổi luồng sinh khí mới đối với nền kinh tế toàn cầu phủ mây đen vần vũ lâu nay. Các quốc gia trong khối TPP đều có chung nhận định lạc quan: Hiệp định là cột mốc lịch sử và thành tựu lớn hướng về tương lai, đặc biệt quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với các nước tham gia đàm phán.

Để hiện thực hóa những “lợi ích” đó, một lần nữa gánh nặng lại đặt lên vai doanh nghiệp - doanh nhân, bởi lẽ TPP là sân chơi lớn, tận dụng ưu đãi của nhau, mở cửa cho nhau, cơ hội của đối tác này sẽ là thách thức của đối tác kia. Việt Nam có cơ hội lớn vươn ra thị trường bên ngoài, thúc đẩy thương mại - đầu tư, nhưng nếu không khẳng định vị thế sân nhà, với cuộc xâm lấn đa chiều, nước kém vị thế và năng động sẽ mất thị phần trên chính quê hương mình. Một luật chơi mới công bằng và khắc nghiệt!

Vai trò doanh nhân Việt Nam đã khẳng định rất sớm trong lịch sử. Chỉ hơn một tháng sau khi dân tộc ta giành được độc lập, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư cho giới công thương, trong đó Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập hoàn toàn của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này…”.

Được sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, nên từ số lượng khiêm tốn ban đầu khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, đến nay lực lượng doanh nghiệp đã phát triển lên con số 500.000, khẳng định vị thế trong nền kinh tế. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành thúc đẩy kinh tế dân doanh, cởi trói doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị (ngày 9-12-2011) ghi nhận vai trò quan trọng của doanh nhân trong hệ thống chính trị - xã hội nước ta; tạo động lực tinh thần to lớn, củng cố và khẳng định niềm tin để doanh nghiệp và người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Và nhìn lại thực tiễn sau 30 năm Đổi mới, nước ta từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển, trong đó không thể thiếu vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nước nhà trong công cuộc kiến quốc, giao thương quốc tế.

Tuy nhiên, với tiến trình hội nhập ngày càng rộng mở, cần xem xét nghiêm túc nội lực doanh nghiệp nước ta đến đâu, có tương thích với vận hội mới đang mở ra? Thông tin báo chí gần đây làm nhiều người đắn đo với nhiều cung bậc cảm xúc: Nhiều nước và các tổ chức nghiên cứu quốc tế liên tục đưa ra các chỉ số đánh giá cao việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam; trong khi đó các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước vẫn không ngớt kêu ca khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc tạm ngưng hoạt động vẫn chưa được chặn đứng. Thực tế trong 9 tháng năm 2015, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng đột biến, đạt 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng về xuất khẩu, 9 tháng qua khối doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục bứt phá dẫn đầu, đạt 82,2 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 68%); trong khi đó xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ 35,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước, khó cán đích mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Đây là kết quả tất yếu do “doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Hầu hết doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu…” (Trích dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII). Nguyên nhân làm các doanh nghiệp trong nước “không chịu lớn và ngày càng bé dần” đã được phân tích, như thể chế kinh tế chưa hoàn thiện; môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng, minh bạch; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực chưa thông suốt… Điều bất hợp lý khác là cùng trên sân nhà, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sự thiên vị cách biệt về chế độ ưu đãi đất đai, các loại thuế, phí; trong khi đó doanh nghiệp FDI hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên, rất hạn chế chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến đến doanh nghiệp trong nước. Với việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD và nới rộng biên độ giao dịch lên 3% vừa qua, doanh nghiệp trong nước càng gặp khó khăn. Trong khi đó, khu vực FDI xuất siêu và thanh toán trực tiếp bằng USD nên độ an toàn cao, không chịu rủi ro về tỷ giá.
Trên mục này, Báo SGGP đã đặt vấn đề trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đã đến lúc người Việt, doanh nghiệp Việt phải đứng trên đôi chân của mình. Muốn vậy, doanh nghiệp Việt phải tỏ rõ được năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển, xác định tính ưu việt của ngành kinh doanh cốt lõi và triết lý kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới. Thực tế cho thấy, để quốc gia thịnh vượng phải dựa vào lực lượng doanh nghiệp trong nước. Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh các lĩnh vực mà luật pháp không cấm”. “Hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Điểm mới của dự thảo văn kiện lần này là kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Từ “quan trọng” được lặp lại nhiều lần trong phần phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Và trong dự thảo văn kiện ghi rõ: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Hy vọng với các “từ khóa” này, nền kinh tế sẽ có bước bứt phá mới, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, tạo dựng niềm tin phát triển doanh nghiệp, góp phần xây dựng thịnh vượng quốc gia.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục