Theo các chuyên gia, ngành du lịch các địa phương trong vùng ĐBSCL đã có sự thay đổi, lượng khách đến tham quan ngày càng tăng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với tiềm năng là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng trên cả nước được Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, còn nhiều thách thức.
Những năm qua, ngành du lịch ĐBSCL đã có thay đổi tích cực, khai thác đặc thù riêng, để có sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách hơn so với trước đây.
Theo thống kê, mỗi năm ĐBSCL đón khoảng 30 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, tuy nhiên, so với tiềm năng, phát triển du lịch chưa đạt như mong muốn. Các sản phẩm du lịch na ná nhau, chưa kể sự tùy tiện về cách thức trình bày giả tạo, thay vì làm đúng bản chất du lịch miệt vườn sông nước. Du khách đến ĐBSCL muốn nhìn thấy và trải nghiệm thực tế chứ không chỉ để ngắm nhìn hình ảnh bờ sông, bến nước, áo bà ba, nón lá…
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 29-12-2011 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 đều xác định, đồng bằng sông Cửu Long là một vùng du lịch quan trọng với các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.
Các định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL là du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước), du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội. Toàn vùng sẽ có 4 khu du lịch quốc gia (Happyland, Long An; Thới Sơn, Tiền Giang; Phú Quốc, Kiên Giang; Năm Căn, Cà Mau) và 7 điểm du lịch quốc gia (Láng Sen, Long An; Tràm Chim, Đồng Tháp; Núi Sam, An Giang; Cù lao Ông Hổ, An Giang; TP Cần Thơ; thị xã Hà Tiên, Kiên Giang; khu lưu niệm Cao Văn Lầu, Bạc Liêu). Những khu du lịch, điểm du lịch quốc gia này chính là những điểm nhấn quan trọng để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch xanh ở vùng ĐBSCL.
Theo các chuyên gia, để du lịch ĐBSCL tiếp tục phát triển theo hướng gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, thời gian tới, ngành du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cần quan tâm thực hiện các giải pháp: Tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển loại hình du lịch xanh; tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng để nghiên cứu, đánh giá toàn diện, bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống về thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch có tính đặc thù; khẩn trương xây dựng những chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” theo Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23-1-2015 của Bộ VH-TT-DL; sớm hình thành Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL để thực hiện vai trò “nhạc trưởng” cho các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong vùng.
Ngoài ra, cần tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng - nhất là hệ thống đường giao thông kết nối các điểm du lịch, các kênh rạch trên các tuyến tham quan đường sông, hệ thống bến thuyền tại các đầu mối đưa đón khách du lịch tham quan đường sông; các tỉnh, thành phố trong vùng thắt chặt mối liên kết, hợp tác để xây dựng các chương trình, dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, của vùng; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các điều kiện tự nhiên mang tính bản địa của từng địa phương để tránh trùng lắp, kém hiệu quả.