Phát triển dược liệu - Giá trị mới cho thuốc nội

Mặc dù ngành dược nước ta liên tục phát triển nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại.
Phát triển dược liệu - Giá trị mới cho thuốc nội

Mặc dù ngành dược nước ta liên tục phát triển nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập ngoại.

Vì thế, việc tập trung ưu tiên nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc trong nước, đồng thời làm tăng giá trị và tính cạnh tranh của thuốc nội là mục tiêu quan trọng được Bộ Y tế đặt ra trong chính sách phát triển ngành dược thời gian tới.

Một cơ sở chuyên thu mua dược liệu để tinh chế thành nguyên liệu làm thuốc ở Cao Bằng

Phụ thuộc nhiều vào nước ngoài

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 10 năm Luật Dược năm 2005 được thực thi, ngành dược trong nước đã có sự phát triển đáng kể, từ chỗ chỉ có 50 cơ sở sản xuất thuốc đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) ASEAN vào năm 2005, đến nay, Việt Nam đã có 142 cơ sở được công nhận WHO-GMP. Sản xuất thuốc trong nước đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân trên 15%, trong khi tăng trưởng cả nước đạt khoảng 6% - 7%. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã xây dựng và hình thành được một hệ thống phân phối, kinh doanh thuốc rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của người dân với hơn 40.000 cơ sở bán lẻ thuốc và gần 1.800 doanh nghiệp phân phối thuốc.

Tuy nhiên đáng lưu ý, dù liên tục phát triển nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì ngành dược nước ta chưa trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn. Các cơ sở sản xuất thuốc trong nước do hạn chế về nguồn lực nên chủ yếu đầu tư các dây chuyền bào chế đơn giản. Đồng thời, việc nghiên cứu và phát triển nguyên liệu, dược liệu làm thuốc còn rất khiêm tốn, chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Hơn nữa, trên thị trường dược phẩm, sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu của nhân dân nên 50% còn lại phải nhập khẩu. Đáng lo hơn, doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu tới 90% nguyên vật liệu, bao bì sử dụng của nước ngoài trong sản xuất thuốc. Cùng với đó, quy trình cấp phép thuốc mới và thử nghiệm lâm sàng còn nhiều thủ tục rắc rối, mất nhiều thời gian nên trong số 150 hoạt chất mới được giới thiệu trong 5 năm qua trên thế giới thì hiện tại ở Việt Nam chỉ xuất hiện 21 hoạt chất. Đây là con số ít hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực, điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh phải chịu thiệt thòi khi vẫn phải sử dụng các thuốc thế hệ cũ.

Phát triển nguồn lực sẵn có

Trước thực trạng trên, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết trong chiến lược phát triển ngành dược nước ta tới năm 2020 và để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực dược hiện nay, trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vừa mới được Quốc hội cho ý kiến, Bộ Y tế  đã bổ sung thêm nhiều nội dung, quy định mới phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó đáng chú ý, đối với chính sách phát triển công nghiệp dược, thay vì tập trung đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược là lĩnh vực Việt Nam không có thế mạnh thì chúng ta sẽ tập trung ưu tiên, nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Theo đánh giá của Cục trưởng Trương Quốc Cường, các quy định này nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh, góp phần phát triển các vùng dược liệu hiện nay ở trong nước. Đồng thời bảo đảm phù hợp với năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cũng như với xu hướng chung của khu vực và thế giới.

Phản ứng trước sự thay đổi rất mới này, GS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia độc lập của ngành Y tế khẳng định, việc có định hướng rõ ràng về phát triển lĩnh vực nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu có sẵn trong nước là hướng đi đúng đắn và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Danapha (Đà Nẵng), chia sẻ không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, hiện nhu cầu  thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng tăng vì tính ưu việt của nó. Các thuốc từ thảo dược ít độc hại, ít gây tác dụng phụ và phù hợp hơn với quy luật sinh lý của cơ thể. Hơn nữa, thế kỷ 21 là thế kỷ sinh học và công nghệ sinh học nên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới. Thay vì chỉ chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn và nhiều độc tính, các nhà khoa học, các tập đoàn dược phẩm lớn đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn. Vì thế việc sửa đổi các chính sách nhằm ưu tiên phát triển nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam sẽ tạo động lực rất lớn để doanh nghiệp nội có sự đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, từ đó tìm ra được các loại hoạt chất mới, cho ra đời các loại thuốc mới có hàm lượng công nghệ cao, các loại thuốc đặc trị có thể điều trị những bệnh hiểm nghèo nhằm thay thế thuốc ngoại nhập, đảm bảo nguồn cung cho thuốc trong nước và giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh.

 Cục Quản lý dược cho biết, Bộ Y tế cũng sẽ có chính sách, quy định cụ thể ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước để dần thay thế các thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật. Theo đó, đối với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của bệnh viện thì không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Đồng thời, ưu tiên đăng ký thuốc generic đầu tiên do trong nước sản xuất trước khi thuốc biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ sáng chế.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục