Phép thử quyết tâm cải cách

Ngay sau khi Quốc hội thông qua các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp mạnh mẽ: Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp. Động thái này và việc cam kết chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách làm nức lòng người dân, doanh nghiệp; được xem là một động lực mới phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế năm qua Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương cải cách mạnh mẽ, giảm thiểu các điều kiện trói buộc kinh doanh, cơ chế xin-cho… Và ngay đầu năm nay, ngày 6-2 (mùng 10 Tết) Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19/2017 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ rất cụ thể: Năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN-4 (4 nước đứng đầu trong khối) trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập rộng mở và để tạo hấp dẫn thu hút đầu tư, Chính phủ đã đề ra mục tiêu: Về khởi sự kinh doanh, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng trong nhóm 30 nước; tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (theo tiêu chí đánh giá của thế giới) đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu…

Phải thừa nhận ý chí cải cách của lãnh đạo cấp cao là rất lớn, nhưng bước đi và chuyển biến thực tế còn nhiều vấn đề. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do VCCI và USAID công bố mới đây cho thấy chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Việc “bôi trơn” chiếm hơn 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp, cao hơn mức 6% - 8% giai đoạn trước đây. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn phổ biến. Chỉ tiêu về tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật của doanh nghiệp không bứt phá tăng lên, mà đi theo đồ thị hình sin trong suốt 11 năm qua, hiện dừng ở mức 3,10 điểm, thấp hơn so với cột mốc năm 2006 (3,15 điểm)…

Nhìn nhận về kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, các chuyên gia nêu ra một thực tế: Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đã bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh, nhưng chuyển động của một số bộ ngành, địa phương còn chậm. Một số nơi vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, nâng cao tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn chậm… nên đã dẫn đến kết quả hạn chế. Đánh giá cục diện chung về mục tiêu cải cách theo hướng kiến tạo phát triển, các chuyên gia thẳng thắn nhận xét có tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới”, làm giảm hiệu quả và tác động của các chủ trương mới tới môi trường đầu tư kinh doanh.

Những cản ngại này thực sự là phép thử đối với chủ trương cải cách. Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự kỳ vọng: Để tạo môi trường thuận lợi kinh doanh và khởi nghiệp, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 04, Chính phủ có Nghị quyết 35, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta. Nếu thực hiện thông suốt phương hướng này thì tốc độ phát triển doanh nghiệp trên cả nước sẽ mạnh mẽ hơn, việc hình thành các doanh nghiệp đủ tầm trong bối cảnh hội nhập sẽ đa dạng hơn, chứ không phải nước ta chỉ gia tăng số lượng “đội ngũ thuyền thúng” trong nền kinh tế.

Bối cảnh kinh tế 2017 đang đối mặt nhiều thách thức: Cục diện bất định và khó lường về thương mại, đầu tư ở các đầu tàu kinh tế lớn đang tác động xấu đến nhiều nước; sức lực nội tại nền kinh tế của ta vẫn yếu do nợ công tăng, nhập siêu lớn; mô hình phổ biến gia công lắp ráp, xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp… Vì vậy mục tiêu trước mắt và dài hạn là phải mạnh mẽ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng để nước ta có thể vượt qua nhiều rào cản, tồn tại trên chính đôi chân của mình. Bối cảnh chung đặt ra đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ theo hướng nâng đỡ, tạo sức sống cho doanh nghiệp; hỗ trợ các tập đoàn tư nhân lớn mạnh, làm trụ cột cho nền kinh tế và có khả năng đối trọng cạnh tranh với bên ngoài.

Độ mở của nền kinh tế nước ta hiện nay là khá cao. Mọi biến động kinh tế thế giới đều tác động khá nhanh và mãnh liệt, thắng thua hiển hiện ngay trên sân nhà. Điều đáng tiếc là vị thế đất nước - con người Việt Nam đầy tiềm năng, nhưng sự phát triển vẫn chưa như kỳ vọng. Ta tự hào không còn là nước nghèo, chậm phát triển nhưng lại đang thua về nhiều mặt so với các nước chung quanh. Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng từng bày tỏ: “Để đuổi kịp các nước, chúng ta phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN. Nếu phải mất 25 năm đổi mới ta mới đạt tư cách nước “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp”, thì để trở thành nước thu nhập trung bình cao và gia nhập vào các nước phát triển, ta càng phải phấn đấu nhiều hơn”.

Vì vậy, để tiến tới một quốc gia cường thịnh là chặng đường rất dài. Để tiến tới đích, đòi hỏi cả bộ máy công vụ phải thực sự vì mục tiêu kiến tạo phát triển, vượt qua các phép thử về quyết tâm cải cách, vượt qua lực cản chính mình; tận dụng hiệu quả các cơ hội và mọi nguồn lực đang có biến thành sức mạnh quốc gia.

LÊ TIỀN TUYẾN 

Tin cùng chuyên mục