
Sau hai bộ phim “Ngôi nhà bí ẩn” và “Suối oan hồn”, Hãng phim Chánh Tín tiếp tục chinh phục khán giả với mảng đề tài gai góc – phim kinh dị, lần này là phim “Chết lúc nửa đêm”.

Cặp vợ chồng mới cưới (Tấn Beo và Nguyệt Ánh đóng) trong phim Bốn thí nghiệm đêm tân hôn.
1. Bối cảnh của phim khá hạn hẹp, chỉ diễn ra trong khuôn viên của một bệnh viện. Các nhân vật liên quan đến đường dây câu chuyện cũng khá “hẻo”, gồm một bệnh nhân, hai y tá, hai bác sĩ và tất nhiên không thể thiếu một hồn ma.
Mấu chốt khó khăn nhất trong việc xây dựng phim kinh dị chính là làm sao để đẩy cảm xúc khán giả, bủa vây khán giả bởi nỗi sợ hãi, sự ám ảnh. Nỗi hoảng sợ càng cao thì thành công của phim càng lớn.
Những yếu tố cần thiết trong thể loại phim này là hóa trang, kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng và sự bất ngờ… Kasim Hoàng Vũ, gương mặt nam ca sĩ quen thuộc đối với công chúng đã được đạo diễn Nguyễn Chánh Tín cho vào phim. Anh vào vai một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, hôn mê và được chở đến bệnh viện. Được các bác sĩ cứu chữa, bệnh nhân đã tỉnh lại nhưng anh ta lại không nhớ mình là ai.
Các bác sĩ tạm gọi anh là X. Điều lạ lùng là X thường xuyên thấy hồn ma của một người phụ nữ trên tay ẵm một đứa bé còn đỏ hỏn. Gương mặt người phụ nữ này rất khủng khiếp, một nửa là thiên thần, còn một nửa giập nát, đầy máu. Nhiều lần X bị hồn ma dẫn dắt lên sân thượng, trèo ra ngoài ban công, nếu không có hai y tá xuất hiện kịp thời có lẽ anh ta đã bị rơi xuống và chết…
Nội dung phim khá đơn giản, tình huống cũng không mấy đặc sắc và kết cấu khá dàn trải. Tuy nhiên, điều ghi nhận ở phim là trình độ hóa trang ít nhiều đã chạm tới “lãnh thổ” của phim kinh dị. Âm thanh, ánh sáng, khói đã hỗ trợ đắc lực cho những phân đoạn đòi hỏi kích thích óc tưởng tượng của khán giả.
Kasim Hoàng Vũ cũng hoàn thành khá tốt vai anh chàng bệnh nhân bí ẩn với nỗi sợ hãi và trạng thái thôi miên khi bị dẫn dắt bởi hồn ma nữ. Sự góp mặt của diễn viên Thanh Thủy và Mạc Can trong vai hai y tá chăm sóc bệnh nhân X, đã tạo cho phim không khí nhẹ nhàng và sự hài hước.
Thành công nhất của phim là cái kết bất ngờ với luật nhân quả, nó như một hồi chuông đánh động những bạn trẻ có lối sống bốc đồng, vô trách nhiệm với bản thân và xã hội.
2. Bộ phim thứ hai trong loạt phim ngắn lần này của Hãng phim Chánh Tín là “Bốn thí nghiệm trong đêm tân hôn”. Bộ phim hài này có thể xem là một cái nhìn khá lạ so với dạng phim hài thông thường.
Câu chuyện về một đôi vợ chồng sau đám cưới không thể tìm cho mình một nơi để làm đêm tân hôn. “Bốn thí nghiệm” là bốn đêm họ đã trải qua ở bốn nơi khác nhau. Tiếng cười mà cặp vợ chồng trẻ (do Tấn Beo và Nguyệt Ánh thể hiện) mang đến cho khán giả có vị… chát.
Phải chăng vì nghèo khó mà con người ta sẽ không thể có được hạnh phúc? Cô dâu sau bốn đêm tân hôn vẫn như chưa chồng, còn chú rể sau bốn đêm đã ngộ ra triết lý cuộc đời nằm ở “ba không” - không tham, không sân, không si.
Mặc dù phim là cái nhìn bi quan nhưng đâu đó trong phim đã làm bật lên tiếng cười bằng những câu thoại dí dỏm của các nhân vật, đặc biệt là gã đại gia già và anh chàng tài xế. Chỉ tiếc là phim còn rời rạc và ý đồ thể hiện chưa rõ khiến người xem có cảm giác như đây là một sự đánh đố.
Ra rạp đúng vào thời điểm hàng loạt phim “bom tấn” mùa hè của nước ngoài đang “tung hoành” như “Kungfu Gấu Trúc”, “Tình yêu sét đánh”, “Chuyện ấy là chuyện nhỏ”, “Người khổng lồ xanh phi thường”… liệu “Chết lúc nửa đêm” và “Bốn thí nghiệm trong đêm tân hôn” có đọ sức nổi? Tuy khó, song nhà sản xuất vẫn hy vọng sự ủng hộ của khán giả với phim nhà.
Hai phim trên khởi chiếu từ 20-6 tại các rạp Galaxy Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cinebox Hòa Bình, Cinebox 212, Megastar TP HCM, Biên Hòa, Hải Phòng, Diamond, Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Tân Sơn Nhất…
HOA LAU
(SGGP 12G)