Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn

Cuộc “hội ngộ” trên đồi Ayunpa
Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn

Bộ phim tài liệu “Linh hồn Việt cộng” (kịch bản và đạo diễn: Minh Chuyên) vừa phát sóng lúc 22g15 ngày 23-7 trên VTV1, đã thực sự làm người xem xúc động. Thời lượng 30 phút tưởng chừng rất ngắn ngủi nhưng đã phác họa cả một chặng đường dài 39 năm kể từ khi người lính Hoàng Ngọc Đảm ngã xuống chiến trường Gia Lai tháng 3-1969 đến khi hài cốt của anh được an táng tại quê nhà xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào cuối tháng 5-2008.

Cuộc “hội ngộ” trên đồi Ayunpa

Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn ảnh 1
Hơn 40 năm trước từ ngõ làng ở xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chàng trai Hoàng Ngọc Đảm đã ra đi. Sau từng ấy năm, anh không về lại nhưng người giết anh ở phía bên kia đại dương lại về làng tạ tội. Ảnh Cao Thăng (chụp qua truyền hình)

“Linh hồn Việt cộng” là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Tranh thủ về phép, người lính Hoàng Ngọc Đảm làm đám cưới với cô Phan Thị Minh. Hai ngày sau, anh chia tay vợ trở lại với đơn vị. Trên ngọn đồi ở Ayunpa, người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm đã giáp mặt với người lính Mỹ - Homer.

Khi thấy Homer đưa tay đầu hàng, Hoàng Ngọc Đảm tiến lại gần định tước vũ khí. Không ngờ vì quá sợ hãi, Homer đã nổ súng. Viên đạn oan nghiệt kết thúc cuộc đời của người lính trẻ. Hối hận tột cùng, Homer mang theo tất cả giấy tờ, vật dụng của Hoàng Ngọc Đảm và cẩn thận cất giữ bên mình cho đến ngày từ giã quân đội Mỹ.

Giải ngũ, Homer trở thành một nông dân ở Carolina. Và khi lục hành trang của con trai, mẹ của Homer nhìn thấy di vật của Hoàng Ngọc Đảm, bà đã khóc và thành kính đặt lên bàn thờ nhà mình. Còn Homer cứ ray rứt và dằn vặt đến mức bị tâm thần nhẹ.

Nhiều lần Homer muốn sang Việt Nam để tìm đến gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cầu mong tha thứ, nhưng người cựu binh Mỹ cũng nghèo, đành bấm bụng ăn năn. Homer làm sao biết được, phía bên kia bán cầu ngớt tiếng súng đã lâu mà bà mẹ của người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm vẫn chưa thấy con trai trở về. Buồn thương, bà mẹ bất hạnh ấy đã đi… xem bói.

Vốn nghề “bói ra ma”, thầy bói phán “Con bà đang sống sung sướng ở bên Mỹ!”. Mẹ của Hoàng Ngọc Đảm không tin con mình phản bội tổ quốc, cứ chiều chiều bà lại ra ngõ ngóng trông.

Những giọt nước mắt nhân văn

Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn ảnh 2
Cựu binh Mỹ Homer trên vạt đồi năm xưa

Trước khi qua đời, mẹ của Homer đã trao cho con trai tất cả số tiền bà dành dụm với lời trăng trối: “Một nửa dùng chữa bệnh tâm thần nhẹ của con, còn một nửa dùng làm lộ phí sang Việt Nam tạ lỗi cùng gia đình người lính Việt Cộng”.

Năm 2005, Homer nhờ một người bạn đưa di vật liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trao tận tay thân nhân ở Thái Bình, đồng thời anh nhắn gửi: Nếu gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cho phép, anh sẽ cùng đi tìm hài cốt liệt sĩ. Giữa tháng 5-2008, đặt chân đến căn nhà có mẹ và vợ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm vẫn sống trong mỏi mòn, cựu binh Mỹ - Homer nghẹn ngào khóc: “39 năm qua, linh hồn anh Đảm vẫn ở bên cạnh tôi, khiến tôi không phút nào yên!”.

Lần theo trí nhớ của Homer, cuối tháng 5-2008, hài cốt liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã được tìm thấy ở ngay ngọn đồi mà ngày nào họ đã giáp mặt. Vậy là sau bao nhiêu năm tháng lạnh lẽo, liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thái Giang, linh hồn người lính Việt cộng đã được thanh thản nơi quê nhà. Và tâm can cựu binh Mỹ - Homer cũng bớt giày vò vì tội ác do mình gây ra.

Phim tài liệu Linh hồn Việt cộng đẫm nước mắt nhân văn ảnh 3
Cựu binh Mỹ - Homer trao lại kỷ vật được gìn giữ từ lâu nay. Ảnh chụp qua TV: ĐỨC TRÍ

Không thể nói khác hơn, “Linh hồn Việt cộng” là một bộ phim tài liệu nhân văn với nhiều tình tiết ly kỳ. Người xem xót xa khi nhìn thấy nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người vợ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Người xem cảm thông khi nhìn thấy cựu minh Mỹ - Homer hai tay run run nâng hài cốt người lính Việt cộng đã trung dũng ngã xuống để bảo vệ đất nước, mà năm xưa Homer là kẻ xâm lăng và cướp đi sinh mệnh của anh.

Thế nhưng rung động sâu xa nhất là hình ảnh hai bà mẹ, hai bà mẹ mang hai nỗi đau khác nhau. Khi bộ phim khép lại, khán giả vẫn còn đọng lại hình ảnh hai bà mẹ, bà mẹ kiên cường của người lính Việt cộng – Hoàng Ngọc Đảm và bà mẹ hướng thiện của cựu binh Mỹ - Homer.

Nhà văn Minh Chuyên, người theo đuổi “Linh hồn Việt cộng” suốt hơn hai năm, từ khi hình thành ý tưởng kịch bản đến khi hoàn thành bộ phim, cho biết: “Có những cảnh quay mà tất cả những người có mặt đều khóc, người nhà của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cũng khóc, bạn bè của Homer cũng khóc và ê kíp làm phim cũng khóc.

Chiến tranh thật ác liệt, hậu quả của chiến tranh thật cay đắng, nhưng nhân nghĩa giữa con người với con người đã vượt lên tất cả. Ngày kết thúc những thước phim cuối cùng, Homer nói với chúng tôi rằng: Người Việt Nam thật cao cả! Người Việt Nam thật gan dạ trong chiến tranh và người Việt Nam thật độ lượng trong hòa bình!”.

* Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, đồng hương của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm:

“Điều sâu sắc đối với tôi, sau khi xem “Linh hồn Việt cộng” là sự khắc phục hậu quả cùng những lỗi lầm. Thông thường thì xin lỗi, ân hận đã được coi là đáng quý. Bởi trên đời đã có những kẻ từng gây ra lỗi lầm, tội ác nhưng sau đó thì trốn chạy, phi tang, lờ đi hoặc đổ lỗi cho người khác…Vậy mà ở người lính Mỹ này, anh đã không thế.

39 năm qua, chẳng những anh trân trọng giữ gìn di vật mà còn tìm mọi cách đưa nó đến với  chủ nhân. Đặc biệt hơn, chính bản thân kẻ đã phạm tội lại đã vượt qua mọi định kiến, bất chấp mọi hiểm nguy, kể cả tính mạng, để chỉ làm được một việc là bày tỏ bằng được nỗi day dứt của mình, để được tạ tội. 

LÊ THIẾU NHƠN
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục