Dự báo sức mua tăng 10%-20%
PHÓNG VIÊN: Xin Phó Chủ tịch cho biết công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Tân Sửu tại TPHCM?
Phó Chủ tịch UBND TPHCM PHAN THỊ THẮNG: Ngay từ tháng 3-2020, thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở, ngành liên quan làm việc với doanh nghiệp (DN) chủ lực để triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19 và các giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn TPHCM. Song song đó, TP triển khai công tác kiểm tra nguồn hàng của các DN trong Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT), Hội Lương thực thực phẩm, 3 chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) để thực hiện phương châm trong bất kỳ tình huống nào, TPHCM vẫn đảm bảo đầy đủ các mặt hàng cung ứng cho người dân với giá cả ổn định.
Về công tác chuẩn bị hàng hóa tết năm nay, ngoài 10 nhóm hàng hóa thiết yếu trong chương trình BOTT, TP cũng tập trung dự trữ các mặt hàng phòng chống dịch và các nhóm hàng được người dân sử dụng nhiều. Đến nay, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc với sản lượng hàng tết chuẩn bị tăng từ 4,4%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 12%-21,2% so với Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22%-54,5% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...
Trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, căn cứ Quyết định số 1115 ngày 30-3-2020 của UBND TP về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình BOTT năm 2020 - Tết Tân Sửu trên địa bàn TPHCM, lượng hàng hóa tham gia BOTT sẽ được tăng cường, đảm bảo 35%-50% nhu cầu thị trường.
Tôi tin rằng, với sản lượng hàng hóa nêu trên, TPHCM đủ sức cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng hàng tết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá làm ảnh hưởng đến đời sống, nhu cầu mua sắm của người dân.
Không thiếu thịt heo dịp tết
Tết năm nay, mặt hàng nào làm cho TPHCM quan tâm và lo lắng nhất, vì sao? Phó Chủ tịch có thể đưa ra một vài dự báo về giá hàng hóa, sức mua trong dịp tết?
Theo tôi, nếu có một mặt hàng như vậy thì có thể là thịt heo. Do tình hình dịch bệnh (dịch tả heo châu Phi) tái phát ở một số tỉnh, việc tái đàn chậm trong chăn nuôi heo do người dân có tâm lý sợ dịch bệnh, cùng với thiên tai, bão lụt, dẫn đến giá heo có xu hướng tăng từ 70.000 đồng/kg lên 78.500 đồng/kg. Giá heo hơi tăng là do mức cầu từ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán lớn hơn các tháng thường. Theo tôi, ngoại trừ giá thịt heo tăng thì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định. Sức mua trong dịp tết năm nay có thể tăng 10%-20% so với cùng kỳ.
TPHCM sẽ kiểm soát giá cả và điều tiết mặt hàng này như thế nào? Liệu TP có rơi vào tình trạng thiếu hụt thịt heo?
Ngoài lượng heo đã có sẵn, thịt heo đồng thời được nhập khẩu từ Brazil, Nga, Mỹ, Thái Lan (dự trữ, cấp đông)… đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau trong dịp tết và sau tết.
Đối với nguồn cung thịt heo nóng, mới đây các sở, ngành của TP đi thực tế, khảo sát tại các DN chủ lực cung ứng cho TPHCM. Họ khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ nguồn thịt heo cho TP theo kế hoạch. Các DN cũng dành một lượng heo dự trữ để ứng phó trong trường hợp nhu cầu sử dụng mặt hàng thịt heo tăng cao.
Mặt khác, thịt heo là một trong những mặt hàng nằm trong chương trình BOTT nên sau cuộc họp điều chỉnh giá thịt heo của Tổ liên ngành ngày 11-1-2021, các DN tham gia bình ổn mặt hàng gia súc đã cam kết giữ giá ổn định 1 tháng trước, trong và sau tết, tiếp tục đồng hành cùng TP. Điều này cũng đồng nghĩa TPHCM đã tiến hành chốt giá thịt heo ổn định liên tục trong 60 ngày, dù heo hơi bên ngoài có tăng đến mức nào thì các DN cũng không được phép điều chỉnh giá bán. Trường hợp giá heo hơi giảm, các DN cần thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán theo đúng quy định và đảm bảo mức giá luôn thấp hơn thị trường 5%-10%. Tôi tin rằng, với giá heo bình ổn đã chốt, người dân có thể xem đây là giá tham chiếu để “nói không” với các điểm bán tăng giá quá cao trên thị trường, đồng thời đến các điểm bán bình ổn để mua thịt heo với giá phù hợp.
Bên cạnh thịt heo, những ngày cận tết là thời điểm sức mua và giá cả các mặt hàng thiết yếu khác là thịt, trứng gia cầm, rau củ quả, trái cây thường tăng lên. Để ứng phó, TP đã chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thông thoáng để hàng hóa các địa phương đưa về TP được nhanh chóng, thuận lợi nhất, góp phần bổ sung, tăng cường nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tăng cường thông tin, điều tiết hàng hóa, giá cả
TPHCM tổ chức mạng lưới phân phối hàng BOTT như thế nào? Người thu nhập thấp sẽ được gì từ chương trình BOTT hàng tết?
Hiện nay, hệ thống phân phối của chương trình BOTT đã phủ khắp các quận huyện, với 10.983 điểm bán. Riêng Chương trình Lương thực thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - TTTM, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Lý Nhơn (huyện Cần Giờ); An Nhơn Tây, Thái Mỹ (huyện Củ Chi), các KCX - KCN, một số trường đại học và bệnh viện đều đã có điểm bán hàng bình ổn. Các đơn vị như Saigon Co.op, Satra, Ba Huân cũng đã liên kết chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn và các quận huyện tổ chức 350 chuyến xe bán hàng lưu động, các Phiên chợ Hàng Việt, Phiên chợ Thanh niên để đưa hàng BOTT đến tay người tiêu dùng. TP cũng đã giao trách nhiệm cho Ban quản lý các KCX - KCN (Hepza) tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng hóa của chương trình vào các bếp ăn tập thể trong các KCX - KCN để phục vụ công nhân, người lao động.
Để phục vụ người thu nhập thấp, theo kế hoạch, các ngày cận tết là thời điểm người tiêu dùng tập trung mua sắm, các DN bình ổn sẽ thực hiện giảm giá, khuyến mãi sâu với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống như thịt và trứng gia cầm, thịt heo, rau củ quả để hỗ trợ người lao động mua sắm trễ. Như vậy, người tiêu dùng an tâm, không phải chịu thiệt thòi do phải mua sắm trễ trong những ngày cận tết.
TPHCM triển khai những biện pháp gì nhằm tránh tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ, đồng thời hạn chế nạn kinh doanh hàng gian, hàng giả và kém chất lượng trên thị trường?
UBND TP đã giao Sở Tài chính phối hợp với các sở ngành chức năng kiểm tra việc hạch toán vào giá thành các chi phí không hợp lý, hợp lệ; xử lý nghiêm theo quy định của Pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với hành vi vi phạm như liên kết ghìm hàng, nâng giá, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. TP cũng chỉ đạo các ngành chức năng như quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động sản xuất kinh doanh gian dối, trái pháp luật, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính; đảm bảo hàng hóa lưu thông phân phối nhanh chóng, thuận tiện. TP đã giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo ban quản lý các chợ kiểm soát hàng hóa, giá cả, đảm bảo cung cầu hàng hóa, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán đúng quy định.
Có thể nói, cùng với chuẩn bị hàng hóa thì việc quản lý giá đang được TP quan tâm hàng đầu. Để điều hành và quản lý giá thành công, chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và DN thôi thì chưa đủ, mà cần có sự tham gia của nhiều lực lượng. Mặt khác, TPHCM cũng phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành có nguồn cung hàng hóa lớn cho TP như Lâm Đồng (rau củ quả, hoa tươi), Đồng Nai (thịt gia súc, gia cầm) về tăng cường liên kết, trao đổi thông tin để kịp thời điều tiết cung cầu và giá cả tốt hơn những ngày cao điểm sắp tới.
Nếu chúng ta hợp tác và làm tốt được những việc này, tôi tin TPHCM sẽ bình ổn được thị trường giá cả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế chính trị và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn TP.