Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Quốc Huy: Thể chế hóa các quy định để công tác cán bộ thật sự công khai, dân chủ

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Quốc Huy: Thể chế hóa các quy định để công tác cán bộ thật sự công khai, dân chủ

“Việc gắn kết các khâu quy hoạch - đào tạo - bổ nhiệm cán bộ, vừa là mục tiêu vừa là phương thức quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ…”- đồng chí Trần Quốc Huy (ảnh), Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định như vậy, trong buổi trao đổi với PV Báo SGGP về một số vấn đề trong công tác cán bộ hiện nay.

* PV: Thưa đồng chí, so với 10 năm trước, tiêu chí tuyển chọn cán bộ và tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hiện nay có gì khác?

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Quốc Huy: Thể chế hóa các quy định để công tác cán bộ thật sự công khai, dân chủ ảnh 1

* Đồng chí TRẦN QUỐC HUY: Có nhiều điểm khác. Chẳng hạn tiêu chí đối với lãnh đạo quản lý là yêu cầu cao về tầm nhìn xa, rộng tri thức mới, như: khả năng tiếp cận và xử lý thông tin, tiếp cận khoa học công nghệ, am hiểu kinh tế thị trường, kiến thức văn hóa các dân tộc trên thế giới, kỹ năng làm việc với thiết bị hiện đại, phong cách làm việc khoa học, tác phong công nghiệp… Tất nhiên, tùy theo lĩnh vực, chức danh mà yêu cầu cụ thể, phù hợp. Còn việc đánh giá cán bộ, cơ bản không khác mấy nhưng nội dung, yêu cầu sẽ cao hơn, đa dạng và phức tạp hơn…

* Thực tế có người điều kiện học hành ít nhưng năng lực tư duy và khả năng điều hành, xử lý thực tiễn tốt. Có thể quy hoạch, bổ nhiệm được không?

* Tất cả cán bộ giỏi, đều có khả năng và ý chí học tập tốt. Ở đây cần hiểu khái niệm học tập cho đầy đủ và đúng nghĩa. Việc học tập ở trường là cơ bản, rất cần thiết và yêu cầu chung là tổ chức cần quan tâm, cán bộ cần nỗ lực để tiếp cận tiêu chuẩn học tập. Tuy nhiên, có người do hoàn cảnh ít học hành ở trường lớp, mà phải tự học nhiều. Họ học ở trường đời, ở đồng nghiệp, các thế hệ đi trước, ở quần chúng trong thực tiễn công tác… Bằng cấp là chứng nhận quan trọng, là điều kiện cần, nhưng còn điều kiện đủ là trải nghiệm cuộc sống. Quan điểm cơ bản, quan trọng nhất của Đảng ta là đánh giá cán bộ qua hiệu quả công tác. Xu hướng tiến bộ của thế giới, người ta cũng ứng xử như vậy.

* Trong đánh giá, tuyển chọn cán bộ, có xu hướng căn cứ vào sự tín nhiệm trước mắt hơn là nhìn vào khả năng, triển vọng. Quan điểm của đồng chí như thế nào?

* Kết quả công việc đương nhiệm, uy tín nhất thời là một phần quan trọng và là biểu hiện đầu tiên để xem xét. Tuy nhiên, để đánh giá cán bộ có triển vọng hay không (trong cuộc sống khó thấy hoặc họ chưa bộc lộ hết) thì không được lẫn lộn giữa khả năng (cái chưa bộc lộ) với sự tín nhiệm trước mắt (cái đã có); cần chú ý đến năng lực và khả năng tư duy (trí lực), khí chất, tố chất, truyền thống, tư chất cán bộ… Bên cạnh đó, chú trọng “yếu tố tiền đề” - khả năng tập hợp mọi người… Ngoài ra, cần coi trọng việc đánh giá để phát hiện tạo nguồn quy hoạch, đào tạo trung hạn, dài hạn.

* Hiện nay khi đánh giá, đề bạt cán bộ, vẫn có tình trạng ít chú ý đến yếu tố gia đình, quan hệ lối xóm và xem nhẹ thông tin từ cơ sở?

* Đó là do việc quản lý cán bộ chưa sâu, chưa đi vào đời sống thực của cán bộ trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè, làng xóm. Cơ sở là nơi am hiểu đảng viên nhất và dù cán bộ cấp nào cũng phải sinh hoạt ở cơ sở, chịu sự giám sát của chi bộ, nếu bỏ kênh thông tin này là thiếu sót lớn. Tuy nhiên, có thực tế, khi lấy ý kiến nơi công tác những cán bộ lãnh đạo cơ sở (thuộc diện cấp trên quản lý), nhiều cấp ủy cơ sở còn e ngại, ỷ lại và chưa làm hết trách nhiệm quản lý đảng viên của tổ chức cơ sở Đảng.

* Trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, một số nơi chưa yêu cầu người được bổ nhiệm trình bày phương án – chương trình hành động – của mình. Theo đồng chí điều đó có nên không?

* Tôi cho việc yêu cầu người được bổ nhiệm trình bày phương án là cách làm tiến bộ và đang được nhiều nước áp dụng, vì điều này giúp cho cán bộ bộc lộ khả năng, trình độ, sự nhiệt tình, thái độ trách nhiệm với công việc sắp được giao. Như vậy, đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để đánh giá thực chất năng lực của cán bộ. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực, chức danh cán bộ mà áp dụng phù hợp.

* Có cần một cơ quan chuyên môn làm công tác định lượng, lượng giá công tác quy hoạch đánh giá, bổ nhiệm cán bộ?

* Cơ quan chuyên môn làm tham mưu, giúp việc, tư vấn về cán bộ hiện có nhiều. Vấn đề là cần thể chế nhiều hơn nữa các quy định sao cho phương pháp khoa học hơn, quy trình hợp lý hơn, tiêu chuẩn hóa chức danh cụ thể để công tác cán bộ thật sự công khai, dân chủ, đúng nguyên tắc của Đảng và pháp luật Nhà nước.

* Theo đồng chí có cần cơ chế thưởng-phạt đối với người làm công tác tổ chức cán bộ?

* Thưởng phạt là cần thiết. Hiện nay, điều quan trọng nhất là phải tuyển chọn, đào tạo cán bộ tổ chức có trình độ, nhiệt huyết, công tâm, khách quan và có dũng khí. Sau đó xây dựng phương pháp đánh giá cán bộ sát với chức danh, chức nghiệp; làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cơ quan, từng cán bộ tham mưu, trách nhiệm liên đới, trách nhiệm người đứng đầu, như thế mới có cơ sở áp dụng thưởng, phạt được. 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục