Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:

Phụ nữ VN tiếp tục phát huy 8 chữ vàng truyền thống

Phụ nữ VN tiếp tục phát huy 8 chữ vàng truyền thống

Sáng 16-10, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (20-10-1930 - 20-10-2005). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tới dự và phát biểu. Các đồng chí: nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và đại diện các bộ, ngành, MTTQ, đoàn thể trung ương và Hà Nội đã dự lễ. Các đồng chí Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phụ nữ VN tiếp tục phát huy 8 chữ vàng truyền thống ảnh 1

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch UBQG Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết đã ôn lại chặng đường lịch sử 75 năm qua của Hội, từ Hội Phụ nữ Giải phóng đến Hội LHPN Việt Nam ngày nay.

Trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã nêu nhiều tấm gương sáng với phẩm chất cao quý về lòng trung thành với Tổ quốc, tinh thần hy sinh dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang, rạng rỡ non sông, đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt biểu dương những thành tích to lớn của phụ nữ cả nước trong chặng đường 75 qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong giai đoạn cách mạng mới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy 8 chữ vàng truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2005 và 5 năm 2006-2010, tạo nền tảng cơ bản để trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Dịp này, Ủy ban Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam đã trao giải cho 4 tập thể và 7 cá nhân xuất sắc năm 2005, gồm:

Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh: Đơn vị luôn giữ lá cờ đầu phong trào phụ nữ cả nước. Hàng năm có 80% hội viên được bồi dưỡng kiến thức; huy động nguồn vốn trên 91 tỷ đồng giúp trên 40.000 lượt hội viên vay; thành lập trên 1.795 CLB Gia đình hạnh phúc ở khắp các khu phố; xây dựng 263 nhà tình nghĩa...

Hội LHPN xã Hòa Tiến (Hòa Vang-Đà Nẵng): Từ một xã còn nhiều hộ nghèo, nhờ có sự giúp đỡ của hội, hơn 2.000 chị được vay vốn đã vươn lên làm giàu, liên kết với doanh nghiệp thành lập tổ hợp đan lưới nuôi trai, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động nữ.

Tập thể nữ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai: Bên cạnh việc khám chữa bệnh, nữ cán bộ, y, bác sĩ trung tâm còn tích cực trong công tác nghiên cứu. Điển hình là nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn, than hoạt nhũ tương làm thuốc giải độc đường tiêu hóa, bộ rửa dạ dày kín...

Phụ nữ VN tiếp tục phát huy 8 chữ vàng truyền thống ảnh 2

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Đồng Nai: Đã vực dậy 2 doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, vươn lên chiếm lĩnh thị trường, ngày càng phát triển. Với tỷ lệ nữ chiếm 66%, chi nhánh đã chủ động hòa nhập, thích nghi với cơ chế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, bình quân mỗi năm đạt trên 19 tỷ đồng lợi nhuận.

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dao (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Những đề tài như thực nghiệm chống nhiễm độc dioxin, chương trình nghiên cứu khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, nghiên cứu công nghệ điều chế 6-APA, 7 ADCA và cephalein từ penicilin... của chị được đánh giá cao. Chị đã được nhận 2 bằng độc quyền sáng chế của UBKHKTNN...

Chị Phạm Thị Hương Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sơn Hải Phòng là người có nhiều đóng góp cho ngành sơn Việt Nam. Chị đã vinh dự được nhận 4 bằng Lao động sáng tạo, 13 năm liền là Chiến sĩ thi đua, Huân chương Lao động hạng 3.

Chị Nguyễn Thị Phương Dung, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, mạnh dạn đổi mới, cải tiến, hoàn thành xuất  sắc nhiệm vụ được giao, được đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Bê tông thép Ninh Bình Đỗ Thị Liên là người trực tiếp chủ trì thành công 3 đề tài khoa học cấp tỉnh và được ứng dụng có hiệu quả, được tặng bằng Lao động sáng tạo; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đã đóng góp nhiều công lao vào thành tích của ngành và đất nước. Chị là người tích cực góp sức đổi mới giáo dục tiểu học, xây dựng chuẩn giáo viên tiểu học, tham mưu giải quyết chính sách bảo hiểm cho giáo viên mầm non..

TS Tạ Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng. Chị tham gia nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, là tác giả của nhiều bài báo chuyên ngành, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba.

Chị HBliăk Niê, nguyên Chủ tịch xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana (Đắc Lắc) là người đã góp công lớn, đưa địa phương từ yếu kém vươn lên, nay đã có 25% hộ giàu, chỉ còn 10% hộ nghèo.

THU ANH - NGUYỄN TÂN

Đông đảo thanh niên TPHCM tham gia chương trình giao lưu “Tổ quốc và mẹ hiền”

Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 và 20-10-2005), ngày 16-10, tại TPHCM, Trung tâm Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ TPHCM tổ chức chương trình giao lưu mang chủ đề “Tổ quốc và mẹ hiền”… Thanh niên TP có dịp gặp gỡ  trò chuyện với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Bùi Thị Mè, Trần Quang Mẫn và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Thị Đường, Anh hùng LLVT Hồ Thị Bi, nhà văn Trầm Hương… Được biết, từ tháng 12-1994 cho đến hết năm 2001, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 44.253 mẹ, trong đó ở miền Bắc có 15.033 mẹ, miền Nam có 29.220 mẹ.

M.N.

Tin cùng chuyên mục