Tôi là nam, năm nay 61 tuổi. Từ năm 1971-1975, tôi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Từ năm 1976, tôi chuyển ngành, làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ đến năm 1990, tôi nghỉ hưu và hưởng trợ cấp một lần. Năm 1998, tôi tiếp tục đi làm trong cơ quan nhà nước. Đến tháng 9-2014 tôi lại nghỉ, tròn 60 tuổi, thời gian đóng BHXH là 16 năm 6 tháng. Hiện nay tôi rất muốn được hưởng lương hưu. Xin được hỏi, giai đoạn 1971-1976 tôi chưa hưởng quyền lợi gì, nay có thể tính gộp thời gian trên cho đủ 20 năm tham gia BHXH? (Nguyễn Mạnh Bằng, quận Bình Thạnh, TPHCM).
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Theo quy định, người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Ngoài ra, Nghị định số 153/2013/NĐ-CP ngày 8-11-2013 của Chính phủ quy định quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15-12-1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tham gia đóng BHXH bắt buộc cả 5 chế độ mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg; điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.
Ông có thời gian công tác trong quân đội sau đó chuyển ngành về Văn phòng Chính phủ rồi nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần. Như vậy, thời gian đã hưởng một lần nay không được tính là thời gian đã đóng BHXH. Riêng thời gian trong quân đội, nếu chưa được tính khi hưởng một lần theo các quyết định nêu trên thì được cộng nối với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH theo Nghị định số 153/2013/NĐ-CP. Ông cần cung cấp cho cơ quan BHXH (nơi cư trú) quyết định đã hưởng một lần (để chứng minh chưa được tính thời gian phục vụ quân đội) và chứng từ chứng minh thời gian là bộ đội để được cộng nối với thời gian đóng BHXH sau này.
Trong trường hợp đã được hưởng hoặc không thể chứng minh, ông nên đến đại lý bưu điện đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu hàng tháng.
Tôi sinh năm 1950, có 18 năm 6 tháng làm kế toán trưởng tại Xí nghiệp Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1995, tôi đã hưởng trợ cấp một lần. Tôi là thương binh 46%, bị nhiễm chất độc da cam loại 3 (60%), tôi có thẻ BHYT nhưng vợ tôi lại không có. Vợ tôi có thể được cấp thẻ BHYT không? (Phạm Tiến Bẩy, quận 12, TPHCM).
Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Do ông đã nhận trợ cấp một lần nên thời gian đã làm việc trước đó không được tính hưởng BHXH nữa.
Theo quy định hiện hành, vợ của thương binh không được cấp thẻ BHYT. Vợ ông nên mua BHYT diện hộ gia đình tại đại lý UBND phường nơi cư trú (621.000 đồng/năm).