Theo dự thảo khung chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm 2018) do Bộ GD-ĐT ban hành, dạy học sẽ theo hướng tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.
Tuy nhiên, thế nào là tích hợp và làm sao triển khai phương pháp dạy học này một cách có hiệu quả vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Chương trình mới đòi hỏi giáo viên cần có nhiều sáng tạo trong giảng dạy Ảnh: Mai Hải
* Phóng viên: Thưa ông, tích hợp đã được đưa vào giảng dạy tại các trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn TPHCM từ năm học nào? Nên hiểu thế nào cho đúng về phương pháp giảng dạy tích hợp?
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Từ năm học 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc thi giáo viên dạy học theo chủ đề tích hợp với mục đích khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới căn bản phương pháp dạy học, chuyển quá trình dạy học từ việc trang bị tri thức một chiều sang rèn luyện năng lực vận dụng thực tiễn cho học sinh, chuyển từ việc dạy các em học sang dạy cách học, cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, không phải học cái gì mà là học để làm gì, học như thế nào. Theo đó, tích hợp không nên hiểu một cách máy móc là lồng ghép nhiều môn học lại với nhau mà mục tiêu cốt lõi là gắn việc dạy học với các tình huống thực tế của cuộc sống, từ đó giúp các em hình thành năng lực giải quyết các vấn đề dựa trên sự huy động nội dung, kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những năm qua, trong các hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai tinh thần và các biện pháp thực hiện phương pháp giảng dạy tích hợp đến các phòng GD-ĐT quận, huyện và hiệu trưởng các trường THPT. Ngoài ra, vào mỗi đầu học kỳ, sở đều tổ chức tập huấn cho giáo viên, phổ biến tài liệu về giảng dạy tích hợp. Trên cơ sở đó, các trường tùy theo điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giáo viên và chất lượng học sinh mà chọn ra một số chủ đề phù hợp từ bảng gợi ý chủ đề dạy tích hợp của Sở GD-ĐT như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ di sản văn hóa, chủ quyền biển đảo, tôn trọng luật pháp…
* Với cách hiểu đó, TPHCM đã triển khai phương pháp giảng dạy tiến bộ này vào các trường học như thế nào? Có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện, thưa ông?
* Năm học vừa qua đã có nhiều đơn vị làm tốt như quận 1, Tân Phú, Gò Vấp... Riêng ở bậc THPT có thể kể ra một số đơn vị điển hình về dạy tích hợp như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đinh Thiện Lý, Lê Hồng Phong. Thống kê sơ bộ cho thấy đã có 18/24 quận, huyện của TPHCM triển khai phương pháp giảng dạy tích hợp. Thời gian đầu khi làm quen với phương pháp giảng dạy mới, Sở GD-ĐT chỉ khuyến khích các trường dạy học ở mức độ kết hợp (các bộ môn vẫn giảng dạy riêng biệt, độc lập nhưng có sự liên hệ kiến thức với nhau), đơn môn (ghép một số kiến thức trong cùng môn học lại thành chủ đề giảng dạy) hoặc đa môn (ghép kiến thức trong nhiều môn học lại thành chủ đề giảng dạy), chưa đặt vấn đề dạy liên môn (nhập chung Lý - Hóa - Sinh thành môn Khoa học tự nhiên, Sử - Địa thành môn Khoa học xã hội) và xuyên môn (dạy học theo các chủ đề lớn như năng lượng, môi trường, khí hậu thời tiết… thay cho các môn học).
Khó khăn lớn nhất hiện nay mà TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đang gặp phải là mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá. Nếu vẫn áp dụng theo hình thức kiểm tra, đánh giá cũ, nặng về kiến thức từ chương sẽ rất khó kêu gọi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Hơn nữa hiện nay, chế độ, chính sách cho giáo viên còn hạn chế, chưa có đủ nguồn lực để khuyến khích, động viên sự sáng tạo của giáo viên.
* Từ những tồn tại vừa nêu, TPHCM có những đề xuất, kiến nghị gì cho dự thảo khung chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và yêu cầu triển khai phương pháp dạy học tích hợp nói riêng để dạy học trở nên có hiệu quả?
Như tôi đã nói ở trên, đổi mới nội dung và hình thức thi cử chính là một trong những biện pháp khắc phục và đẩy mạnh một cách căn cơ các hoạt động đổi mới dạy học trong nhà trường hiện nay. Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT cần tổ chức thường xuyên hơn nữa hai cuộc thi “Giáo viên dạy học theo chủ đề tích hợp” và “Học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống” nhằm tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm và triển khai các phương pháp dạy học một cách có hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
“Triển khai dạy tích hợp vẫn trên cơ sở đảm bảo đủ chuẩn yêu cầu kỹ năng và kiến thức cho học sinh. Thay vì dạy theo chiều dọc trước đây thì nay sắp xếp lại chương trình để dạy theo chủ đề. Tuy nhiên, mỗi môn học chỉ có vài chủ đề liên quan đến các môn học khác chứ không phải toàn bộ môn học nên khi sắp xếp lại sẽ không có sự tinh giản giáo viên như nhiều người lo ngại” Ông PHẠM NGỌC TIẾN |
THU TÂM (thực hiện)
Các tin, bài viết khác
- Trường THPT Nguyễn Văn Linh đoạt giải nhất cuộc thi “Đi xe đạp-Vì môi trường văn hóa giao thông"
- Học phí đại học tăng từ năm học 2015 - 2016
- Giáo dục - đào tạo ĐBSCL: Từng bước thoát vùng trũng
- Thanh tra Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM
- Quận 10 tuyên dương 120 học sinh đoạt giải Lê Quý Đôn
- Cuộc thi “Đi xe đạp - Vì môi trường văn hóa giao thông”: 2.000 học sinh, giáo viên tham gia
- Lắng nghe học trò
- Lấy ý kiến việc các trường bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
- Để không phải “chiếu cố”
- Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ: Cần có quy chế ổn định