Gần đây, các trang báo đều đưa tin về Nadal - vận động viên quần vợt số 1 thế giới - thừa nhận sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (Plathele Rich Plasma - PRP) trong phục hồi chấn thương đầu gối, sau đó anh quay lại thi đấu và mạnh mẽ hơn xưa.
PRP từng bị xem là doping trong thể thao. Năm 2010, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) đã cấm sử dụng PRP cho vận động viên ở những giải đấu do họ giám sát. Đến năm 2011, lệnh cấm này được hủy bỏ. Vì sao PRP vừa được xem là thần dược giúp phục hồi các chấn thương, vừa bị xem là một chất doping nên cấm?
Trước tiên, PRP là gì? PRP là “Huyết tương giàu tiểu cầu”, nghĩa là người bị chấn thương sẽ được lấy máu rồi đem quay ly tâm để phân lập lượng tiểu cầu nhiều gấp 6 - 8 lần so với máu thông thường. Sau đó, có thể qua các phương pháp khác nhau mà hoạt hóa các tiểu cầu này giúp phóng thích các yếu tố tăng trưởng (Grow Factor - GF), chính các GF đó giúp kích thích lành các tổn thương theo hướng sinh học. Trong thể thao, các chấn thương gân cơ rất thường gặp và rất khó phục hồi, do bản thân sợi gân rất ít tế bào, khả năng hấp thụ oxy trong gân rất thấp và việc tập luyện khó dừng lại thời gian dài để sợi gân phục hồi (kéo dài nhiều tháng, nhiều năm).
Còn khi tiêm PRP, cụ thể hơn là các GF, vào các vị trí tổn thương của gân (thường dưới hướng dẫn của siêu âm), các GF sẽ giúp kích thích khả năng tiêu thụ oxy của gân, thu hút các tế bào phục hồi đến và kháng viêm mạnh. Từ đó rút ngắn thời gian phục hồi của gân. Do PRP được tách từ máu của chính bệnh nhân nên không có các nguy cơ về lây nhiễm bệnh hay các tác dụng phụ do thuốc. Quan trọng hơn đây là một yếu tố kích thích lành thương sinh lý nhất nên chất lượng sợi gân sau khi phục hồi sẽ gần như ban đầu.
Vấn đề đánh giá PRP như là một chất doping vì lý do sau: Tiêm PRP vào cơ thể sẽ giúp làm tăng các GF, trong đó có 3 loại GF kích thích cơ thể tiếp nhận oxy và làm giảm cảm giác mệt mỏi. WADA lo sợ một số vận động viên sử dụng đơn thuần 3 loại GF trên làm tăng kết quả thi đấu mà họ không kiểm soát được. Nhưng do hiệu quả phục hồi sinh lý quan trọng của PRP giúp các VĐV lấy lại phong độ đỉnh cao nên WADA đã cho phép sử dụng PRP trong điều trị các chấn thương thể thao.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã ứng dụng PRP hoạt hóa điều trị hiệu quả nhiều chấn thương thể thao như khuỷu tay, viêm gân Achille, viêm gân bánh chè...
Thạc sĩ - Bác sĩ ĐẶNG LÊ XUÂN TÙNG