Chiều 18-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dẫn đầu tiếp tục có buổi làm việc với UBND quận 1 về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
Tại buổi làm việc, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND quận 1 cho biết, do vị trí ở trung tâm thành phố nên quận 1 gặp khó khăn về quỹ đất phát triển giáo dục. Nhiều cơ sở giáo dục chưa đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất, quy mô trường lớp chưa đồng bộ giữa 2 cấp tiểu học và THCS.
Bên cạnh đó, một số trường có điểm lẻ, trường đang xây phải học tạm tại các điểm trường mượn, phòng học và diện tích sân chơi nhỏ hẹp, thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng nên việc tổ chức các hoạt động còn hạn chế.
Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) thông tin, với đặc thù trường triển khai theo mô hình tiên tiến, hội nhập, ngoài chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, đơn vị còn triển khai song song chương trình tiên tiến, hội nhập.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên. Toàn trường đang thiếu 11 giáo viên, trong đó có 9 giáo viên dạy nhiều môn, 1 giáo viên tiếng Anh và 1 giáo viên tin học.
Năm học 2022-2023, nhà trường đã thực hiện tuyển dụng nhưng chỉ có 4 ứng viên đăng ký. Đáng nói, hàng năm đều có 2-3 giáo viên nghỉ việc với nhiều lý do như chuyển công tác về quê, tìm công việc khác thu nhập tốt hơn sau nhiều năm công tác, chuyển qua trường quốc tế…
“Để giải quyết tình trạng giáo viên, nhà trường hợp đồng thỉnh giảng nhưng nhiều trường hợp làm một thời gian cảm thấy không phù hợp nên xin nghỉ việc khiến đội ngũ thường xuyên biến động, ban giám hiệu phải choàng gánh đứng lớp”, cô Hồng Hạnh bảy tỏ.
Bên cạnh đó, quy định về mức thu mới cho trường tiên tiến, hội nhập hiện nay là 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, mức thu này không còn phù hợp để triển khai chương trình nhà trường theo Đề án Trường tiên tiến, hội nhập.
Hiện nay, yêu cầu trình độ chuyên môn của giáo viên ở trường tiên tiến cao hơn các trường công lập bình thường khác, áp lực công việc nhiều hơn do triển khai thường xuyên nhiều hoạt động nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ cho giáo viên chưa khác biệt với trường công lập nên thiếu sức thu hút đội ngũ.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đề nghị địa phương quan tâm chất lượng giáo dục thực chất, không chạy theo thành tích, hướng đến mục tiêu giảm tải và giáo dục toàn diện cho học sinh, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên, tạo thêm điều kiện cho các thầy, cô yên tâm công tác.