Quan hệ lao động nhìn từ việc thưởng tết

Thưởng tết, luật không quy định, nhưng đang được đại đa số doanh nghiệp (DN) mặc định áp dụng, là sự tưởng thưởng người lao động (NLĐ) khi tết tến xuân về. Giám sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018 cho thấy, hơn 90% DN có thưởng tết cho NLĐ, còn khảo sát của VietnamWorks dịp Tết Kỷ Hợi - đơn vị tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam - cũng chỉ ra, chỉ có khoảng 3% DN nói không với thưởng tết. 
Từ thưởng tượng trưng, thưởng cho có, giờ đây, các DN đã chuyên nghiệp hơn trong thiết kế các gói thưởng tết và chu đáo tính toán thưởng tết hấp dẫn hơn qua từng năm. Trong nhiều năm qua, kỷ lục thưởng tết ở TPHCM cũng như cả nước liên tục được thiết lập, đỉnh thưởng tết và mức trung bình tiền thưởng tết thường năm sau cao hơn năm trước. Tại TPHCM, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, NLĐ được thưởng tết bình quân cao hơn 25% so với mức thưởng tết năm ngoái. Mức thưởng bình quân là 10,3 triệu đồng/người, trong khi dịp tết năm trước là 8 triệu đồng/người. Không chỉ thưởng tết, nhiều DN còn có nhiều quà tặng, phúc lợi vào dịp tết; sau tết còn có thêm khoản lì xì tới NLĐ. Sự chuyển biến này cho thấy các DN ngày càng trân trọng hơn, chăm lo hơn, bảo dưỡng tốt hơn cho tài sản lớn nhất của đơn vị mình là NLĐ. Chỉ số ít trường hợp khó khăn, bất khả kháng mới không thưởng tết. Và có lẽ, đưa ra quyết định như thế cũng không dễ dàng gì với chủ sử dụng lao động, nếu muốn NLĐ đi đường dài, đồng hành với mình chinh phục các mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong tương lai.


Với NLĐ, thưởng tết luôn là chủ đề được thăm hỏi nhiều trong các dịp gặp gỡ cuối năm. Tiền thưởng tết, với nhiều người, thậm chí mang tính quyết định tới các dự tính đón tết (vui tết to hay nhỏ, đi chơi tết xa hay gần, sắm tết ít hay nhiều...). Bức tranh thưởng tết cũng có gam màu vui, buồn. Được tưởng thưởng xứng đáng vào dịp tết góp phần giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó trong năm mới; nhưng khi thưởng tết không được như mong đợi, NLĐ có thể cũng sẽ đưa ra quyết định của mình. Theo khảo sát của VietnamWorks, phần lớn NLĐ sẽ phản ứng nếu thưởng tết không thỏa đáng. Trong số đó, hơn một nửa số NLĐ sẽ kiến nghị DN xem lại, 27% NLĐ sẽ nghỉ việc, tới nơi làm việc có mức thưởng tết hấp dẫn hơn.

Thị trường lao động ngày càng phát triển, vị trí của NLĐ và người sử dụng lao động ngày càng ngang bằng; giờ đây người sử dụng lao động còn phải bỏ không ít tiền để “săn đầu người”, kiếm được lao động giỏi. Tâm thế của NLĐ, nhất là NLĐ làm được việc, cũng không hẳn sẽ gắn bó với chỉ một nơi làm việc từ khi đi làm tới lúc về hưu. Hiện nay, NLĐ có xu hướng chuyển dịch từ ổn định công việc sang ổn định nghề nghiệp. Thay vì bám một nơi làm việc và đánh cược sự nghiệp vào đó, NLĐ sẵn sàng tìm “bến đỗ” mới tốt hơn để theo đuổi sự nghiệp và điều mình mong muốn. Các xu hướng lao động đang hình thành có tác động ngày càng mạnh mẽ lên chính sách quản trị nhân sự của các DN, gồm cả chính sách lương, thưởng.

Thực tế cho thấy, để “chảy máu” nhân lực, chi phí để tuyển dụng lao động bù đắp, chi phí đào tạo và huấn luyện nhân sự có thể còn đắt đỏ hơn chi phí trả thưởng tết. Thay thế nhân sự, trong nhiều trường hợp, tổng chi phí không hề rẻ. Dẫu vậy, chuyện thưởng tết không phải là không có lối ra với DN khó khăn. Thay vì bưng bít thông tin “hết tiền”, thay vì tuyên bố cộc lốc “không thưởng tết”, người sử dụng lao động có thể kiếm tìm và nhận được sự chia sẻ từ chính NLĐ về thưởng tết, bằng cách chia sẻ trực diện khó khăn và hướng xử lý.

Trong bối cảnh chưa luật hóa thưởng tết, NLĐ cần lưu ý thỏa thuận về thưởng tết khi thương lượng ký kết hợp đồng lao động; tập thể NLĐ càng cần chú trọng thỏa thuận thưởng tết khi ký kết thỏa ước lao động tập thể. Cùng với đó, rất cần sự chủ động của các cấp công đoàn, của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát, có hướng chia sẻ, hỗ trợ kịp thời đối với NLĐ trong trường hợp DN có khó khăn với thưởng tết. Với DN, không thưởng tết không phải là việc làm trái luật, nhưng có giữ chân được NLĐ, có thu hút được lao động giỏi hay không, thực tế nhiều năm qua cho thấy cũng phụ thuộc không ít vào việc... thưởng tết.

Tin cùng chuyên mục