Quản lý chất lượng thuốc: Cần cả tiền kiểm và hậu kiểm

Quản lý chất lượng thuốc: Cần cả tiền kiểm và hậu kiểm

Nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, sắp xếp lại hệ thống lưu thông phân phối thuốc, đảm bảo thuốc có chất lượng, giá cả ổn định… Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến ngành dược toàn quốc được tổ chức ngày 23-6.

        Thuốc nội nhưng nguyên liệu ngoại

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh, mặc dù trong thời gian qua, nền kinh tế thế giới và Việt Nam có những biến động mạnh nhưng chúng ta vẫn đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng cao cho công tác chữa bệnh và phòng bệnh của nhân dân. Đáng chú ý là thuốc sản xuất trong nước tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo thuốc cho người dân.

Ảnh: Mai Hải

Ảnh: Mai Hải

Các doanh nghiệp trong nước đã khắc phục nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất thuốc theo nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP). Đến hết năm 2008, cả nước có 89 nhà máy đạt GMP. Trong năm 2008, tổng giá trị tiền sử dụng thuốc cả nước đã lên tới hơn 1,4 tỷ USD, đạt trung bình 16,45 USD/người/ năm. Trong đó giá trị thuốc sản xuất trong nước đã đạt trên 715 triệu USD, đáp ứng 50,18% nhu cầu thuốc sử dụng của người dân.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Cao Minh Quang cũng chỉ rõ, hiện thuốc trong nước vẫn chủ yếu là kháng sinh, hạ nhiệt, giảm đau, vitamin chiếm tỷ lệ rất cao, với hơn 4.500 số đăng ký trong tổng số 9.727 thuốc có số đăng ký. Hơn nữa, để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, chúng ta vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và trong năm qua số tiền nhập nguyên liệu sản xuất thuốc đã lên tới hơn 163 triệu USD. Trong khi đó, giá trị thuốc xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm đều giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Người dân nên kiểm tra nhãn mác cẩn thận trước khi mua. (Ảnh chụp tại một tiệm bán thuốc trền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh). Ảnh: LÃ ANH

Người dân nên kiểm tra nhãn mác cẩn thận trước khi mua. (Ảnh chụp tại một tiệm bán thuốc trền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh). Ảnh: LÃ ANH

        Thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn phức tạp

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp quản lý và ngăn chặn thuốc giả, thuốc nhập lậu và thuốc không rõ nguồn gốc nhưng vấn đề này hiện vẫn rất phức tạp. Trong năm 2008, thuốc không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ 2,94% so với lượng mẫu lấy kiểm tra trên toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ thuốc kháng sinh kém chất lượng cao nhất. Tỷ lệ thuốc đông dược và dược liệu vi phạm chiếm 26,7% với các vi phạm về chỉ tiêu độ ẩm và độ nhiễm khuẩn. Riêng thuốc đông dược phần lớn được sản xuất chưa đạt GMP, phòng kiểm tra chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu nên tỷ lệ vi phạm rất cao: 22/49 mẫu thuốc sản xuất trong nước phải thu hồi. Tính chung trong năm qua, Cục Quản lý dược đã đình chỉ lưu hành và thu hồi 93 lô thuốc. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động thông tin quảng cáo thuốc, với số lượng hồ sơ đăng ký quảng cáo tăng đến 123% so với năm 2007, thông tin quảng cáo thuốc nước ngoài tăng đến 136% kéo theo tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này trở nên trầm trọng.

Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang, tới đây Bộ Y tế sẽ thành lập hai trung tâm phân phối dược phẩm tại Hà Nội và TPHCM để ổn định thị trường dược phẩm và nâng cao chất lượng thuốc phục vụ người dân. Cùng đó, các đoàn kiểm tra sẽ đẩy mạnh cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm đối với chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc. Bộ Y tế sẽ kiểm tra đột xuất, cơ sở nào không đạt yêu cầu sẽ bị rút số đăng ký.

Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, Bộ Y tế chấn chỉnh quy chế đấu thầu thuốc, việc quản lý quảng cáo thuốc. Rà soát chế tài xử phạt với hành vi vi phạm quảng cáo thuốc. Bên cạnh việc xử phạt về tài chính, có thể thêm hình thức đăng tên công khai những thuốc, nhà sản xuất thuốc đã quảng cáo sai trên lên trang web của ngành gây áp lực cho những người làm sai.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành y tế sắp xếp lại hệ thống phân phối thuốc trong toàn quốc, thực hiện tốt lộ trình nhà thuốc GPP, trước tiên là nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc xung quanh bệnh viện để mở rộng ra toàn quốc. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh dự án tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát tiển ngành công nghiệp dược và cơ chế phân phối, quản lý, điều tiết để cung ứng đủ thuốc kịp thời, giá cả hợp lý; đặc biệt ngành dược và khối điều trị cùng phối hợp để tiến tới sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. 

KHÁNH NGUYỄN 

TPHCM: Gần 100% nhà thuốc bệnh viện đạt chuẩn GPP

Từ đầu cầu TPHCM, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Cho đến nay, Sở Y tế đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 80/83 nhà thuốc bệnh viện đạt chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc (GPP), 3 nhà thuốc còn lại gồm nhà thuốc các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (30-4; 175; 7A) đã hoàn tất các tiêu chuẩn GPP nhưng phải chờ thống nhất chủ trương giữa các bộ. Cũng theo bà Lan, nhà thuốc GPP bệnh viện đã góp phần chấm dứt tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trà trộn, giá thuốc cao hơn các nhà thuốc bên ngoài… Bước đầu, các nhà thuốc GPP bệnh viện đã làm thay đổi diện mạo khoa dược bệnh viện, nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng thuốc, kiểm soát giá thuốc theo thặng số quy định, tuân thủ quy trình bán thuốc theo đơn và không theo đơn giúp tránh được nhiều sai sót…

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, hiện nay, nhận thức về tầm quan trọng của nhà thuốc bệnh viện còn hạn chế. Dù đây được xem như “cơ quan hậu cần” của công tác điều trị nhưng trong tiêu chí để đánh giá xếp loại bệnh viện hàng năm, điểm số cho hạng mục nhà thuốc bệnh viện còn thua tiêu chí toilet (nhà thuốc đạt chuẩn: 0,5 điểm; toilet đạt chuẩn: 1 điểm). Đây là vấn đề khiến nhiều năm nay, chất lượng nhà thuốc bệnh viện gần như bị bỏ ngỏ.

K. LIÊN

Tin cùng chuyên mục