
Chung quanh các nội dung liên quan đến Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí năm 2007-2008 và triển khai những nhiệm vụ chủ yếu năm 2009-2010, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
* Phóng viên: Thứ trưởng có thể khái quát về bức tranh báo chí Việt Nam thời điểm hiện tại?

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn
* Thứ trưởng ĐỖ QUÝ DOÃN: Báo chí nước ta 2 năm qua phát triển rất nhanh, đến tháng 5-2009, trên lĩnh vực báo chí in, cả nước có 687 cơ quan báo chí với 896 ấn phẩm, trong đó khối cơ quan báo chí Trung ương có một hãng thông tấn quốc gia, 77 báo, 416 tạp chí, 105 ấn phẩm phụ; khối báo chí địa phương có 103 báo, 101 tạp chí, 104 ấn phẩm phụ. Cả nước có 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Hiện cả nước có trên 16.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Trong đó, nhiều phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cả ở trong nước và nước ngoài, góp phần đưa nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng tiếp cận với những chuẩn mực của một nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại.
* Nghĩa là các hoạt động báo chí trong 2 năm qua được đánh giá đều theo hướng tích cực, thưa Thứ trưởng?
* Không hẳn thế, vẫn còn một số tờ báo trong 2 năm qua còn thiếu sót, khuyết điểm. Tình trạng một số báo thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, thiếu nhạy cảm chính trị, nội dung xa rời tôn chỉ mục đích vẫn còn, thậm chí có nơi, có lúc nghiêm trọng. Tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và bị xử lý hình sự vẫn diễn ra…
* Xin Thứ trưởng cho biết những tồn tại chủ yếu trong công tác QLNN về báo chí thời gian qua?
* Hệ thống pháp luật về báo chí chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thẩm quyền QLNN về bản quyền và quảng cáo trên báo chí đã được quy định cụ thể nhưng còn vướng mắc liên quan thẩm quyền mà Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Trình độ nhận thức, hiểu biết về Luật Báo chí cũng như các văn bản còn hạn chế. Công tác xử lý vi phạm bước đầu đã phát sinh sự thiếu thống nhất, chồng chéo do có sự phân tách thẩm quyền quản lý giữa lĩnh vực báo chí in và lĩnh vực phát thanh-truyền hình và thông tin điện tử; sự phối hợp giữa một số sở TT-TT với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng khác ở địa phương còn chưa chặt chẽ...
Suy giảm kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, như: hoạt động quảng cáo và quảng bá giảm sút khiến một số cơ quan báo phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động, có 4 cơ quan báo chí phải xin dừng hoạt động, 5 cơ quan xin giảm kỳ phát hành, 6 cơ quan báo chí xin giảm số trang. Lượng phát hành của nhiều ấn phẩm báo chí in, trong đó có những tờ nhật báo đã giảm kỳ phát hành tới 40%...
* Công tác QLNN về báo chí của Bộ TT-TT thời gian tới như thế nào, thưa Thứ trưởng?
* Bộ TT-TT đang tiến hành xây dựng đề án quy hoạch báo chí in đến năm 2020, dự trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009. Cũng trong thời gian này, bộ đồng thời xây dựng quy hoạch phát thanh-truyền hình và quy hoạch báo điện tử trình Chính phủ phê duyệt.
Có 2 vấn đề quan trọng đặt ra làm trọng tâm. Thứ nhất, QLNN về báo chí ở Trung ương, gồm các vấn đề như: xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí; tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý báo chí; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ báo chí… Thứ hai, QLNN về báo chí ở địa phương theo quy định tại Luật Báo chí và Nghị định 51/CP trên quan điểm tạo cơ chế, chính sách, không kìm hãm phát triển, không thể quản đến đâu cho phát triển đến đó. Mà lấy mục tiêu phát triển làm mục tiêu quản lý.
* Bao giờ luật báo chí mới sẽ thay thế luật báo chí hiện hành, thưa Thứ trưởng?
* Tới nay, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần thứ 12 đã được xây dựng xong. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ TT-TT nhận thấy, thay vì xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) cần xây dựng luật báo chí mới thay thế luật báo chí hiện hành nhằm đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý và phát triển báo chí trong tình hình mới. Dự kiến luật báo chí mới sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII (tháng 10-2010).
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Phát triển báo chí đồng hành cùng quốc gia, dân tộc Đó là: Làm tốt công tác quy hoạch trong truyền dẫn phát sóng phát thanh-truyền hình với tinh thần xã hội hóa, nhất là hạ tầng; quy hoạch báo in theo hướng tập đoàn, doanh nghiệp và chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa; quy hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt, trước hết là đội ngũ tổng biên tập và trên lĩnh vực quản lý. Hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để quản lý, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí (sửa đổi), hoàn chỉnh văn bản dưới luật. Xây dựng mô hình báo chí theo hướng hội nhập, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, trở thành các tổ hợp truyền thông đa phương tiện. Trong đào tạo nguồn nhân lực, cần theo hướng “trẻ hóa, tri thức hóa và chuyên nghiệp hóa”, bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho đội ngũ phóng viên. |
HÀ MINH thực hiện