Quản lý rủi ro

Từ ngày 15-8-2006, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong và ngoài nước hoạt động tại Việt Nam được phép tiến hành các hoạt động ngân hàng điện tử (NHĐT) phải tuân thủ về quản lý rủi ro theo quyết định của NHNNVN vừa ban hành. Để quản lý một cách hiệu quả những rủi ro phát sinh trong hoạt động NHĐT, NHNN yêu cầu các TCTD phải xác định các loại rủi ro có thể phát sinh từ những hoạt động NHĐT đang thực hiện hoặc dự kiến triển khai; phân tích các hậu quả phát sinh khi rủi ro xảy ra; phân nhóm các loại rủi ro, xác định biện pháp phòng ngừa rủi ro đặc biệt lưu ý đến quản lý an ninh mạng và bảo vệ thông tin.

Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực hoạt động nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, trước xu thế hội nhập, các tổ chức tài chính ngân hàng sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh nên càng phát sinh rủi ro. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của các ngân hàng nước ta khá thấp so với trung bình trong khu vực nên việc tập trung phát triển và quan tâm đến lợi nhuận được xem là ưu tiên số một. Chính vì thế, hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng Việt Nam hầu như chưa được quan tâm đúng mức và chưa được đầu tư xây dựng một cách chuyên nghiệp. Đó là lý do vì sao tỷ lệ nợ xấu cùng nhiều vấn đề phát sinh đang trở thành bài toán chưa có lời giải tại một số ngân hàng hiện nay. Nhận thức được sự nhạy cảm của hoạt động tài chính tiền tệ, nhất là thời kỳ hậu niêm yết, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã bắt tay xây dựng hệ thống quản lý rủi ro của mình, bao gồm từ cấp chi nhánh/sở giao dịch cho đến cấp điều hành, quản trị, hạn chế, kiểm soát và xử lý các rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt mới đây Sacombank được Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lựa chọn là một trong hai ngân hàng TMCP tại Việt Nam được tài trợ xây dựng hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Trước đó, CIDA và NHNN đã đưa ra một quy trình thẩm định nghiêm ngặt giữa các ngân hàng TMCP, và Sacombank là ứng viên được chọn bởi được khẳng định là ngân hàng TMCP có mạng lưới rộng nhất Việt Nam, có vốn điều lệ lớn nhất và là ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Dự án này nhằm tạo nên một mô hình thí điểm về hệ thống quản lý rủi ro trên tất cả các mảng tín dụng, thị trường, quản lý tài chính, kiểm toán nội bộ và quản trị điều hành… để từ đó nhân rộng trong hệ thống ngân hàng TMCP nước ta về sau. Đây chính là điểm vô cùng thuận lợi cho Sacombank trong tiến trình hội nhập. Việc xây dựng mô hình quản lý rủi ro tại Sacombank sẽ gồm các giai đoạn: chẩn đoán, lập kế hoạch chi tiết và phương hướng hành động, triển khai và huấn luyện. Hiện tại CIDA và Sacombank đã kết thúc giai đoạn đầu tiên của dự án là giai đoạn chẩn đoán. CIDA đã đưa ra một loạt các yêu cầu thông tin về tín dụng, thị trường, hoạt động, quản lý tài chính, kiểm toán nội bộ và quản trị điều hành của Sacombank để nhận định, đánh giá và phân tích tình hình nhằm đưa ra giải pháp cho hệ thống quản lý rủi ro tại Sacombank sau này. 

MINH DUNG

Tin cùng chuyên mục