Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 3 triệu trẻ em, thanh thiếu niên có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Những rối loạn cảm xúc trong đó có trầm cảm và tự tử thường xuyên xuất hiện ở nhiều thanh thiếu niên. Tỉ lệ có ý định tự tử ở trẻ vị thành niên là 2,3%.
Tuổi vị thành niên với nhiều thay đổi trong tâm – sinh lý nên rất dễ gặp phải các vấn đề có liên quan tới sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh là do áp lực học tập, sức ép từ phía gia đình, gia đình quan tâm quá mức hoặc không chú ý tới trẻ, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô,... Khi trẻ mắc bệnh, nếu không có sự quan tâm đúng cách, kịp thời, có hiệu quả rất dễ dẫn đến những kết quả ngoài ý muốn.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hầu hết nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên là do trẻ bị sang chấn tâm lý. Sang chấn tâm lý được biết đến là một trong những căn bệnh của xã hội hiện đại. Nó không chỉ xuất hiện ở người trưởng thành bởi gánh nặng công việc, tiền bạc… mà còn ngay cả những đứa trẻ tuổi 14-15.
Nhằm giúp trẻ tránh được các nguy cơ mắc cách bệnh lý về tâm thần, rất cần sự quan tâm động viên, chia sẻ, lắng nghe để thấu hiểu tâm lý, cảm xúc của trẻ từ phía các bậc phụ huynh.
Nhiều chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần học khẳng định việc cha mẹ cần chia sẻ, lắng nghe con nhiều hơn là rất cần thiết để cứu con khỏi nguy cơ phát bệnh tâm thần. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn, nhất là với trẻ ở giai đoạn vị thành niên - độ tuổi loay hoay xác định câu trả lời “Tôi là ai?”. Các em lúc này vừa thiếu tự tin, kỹ năng, sự hỗ trợ, chia sẻ.
ThS Tâm lý học Vũ Thị Thu Hà chia sẻ: “Các con quá nhỏ so với cuộc sống rộng lớn nên dễ lúng túng, bối rối, càng khó chia sẻ, trao đổi với người thân”. Bên cạnh đó, các em ở lứa tuổi này luôn sợ ai đó đánh giá, phê phán, sợ bị nói rằng: “Có vấn đề đấy!”, nên càng sợ thể hiện ra ngoài mà che giấu bằng sự vui vẻ, trong khi các em đang căng thẳng, buồn bã. Thực tế, không ít trường hợp các em học sinh do áp lực thi cử, học hành, cuộc sống, gia đình mà đã quyết hình tự tử bằng cách nhảy từ trên tầng cao xuống, mặc dù trước đó các em rất vui vẻ, không có biểu hiện bất thường.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, trẻ rơi vào tình trạng giảm năng lượng, mệt mỏi hầu hết có nguyên nhân do áp lực học tập, sức ép gia đình, mâu thuẫn với những người thân. Điều quan trọng là cần đưa trẻ đến viện chuyên khoa tâm thần sớm, điều trị sớm, bởi các rối loạn này có thể chữa khỏi. Nếu nhẹ và can thiệp sớm khi bệnh ở giai đoạn đầu, chỉ cần được nghỉ ngơi, giảm/cắt các tác nhân gây sức ép, tạo cho trẻ tinh thần thoải mái đã có thể khỏi bệnh gần như 100%. Nếu nặng hơn, trẻ cần được dùng thuốc điều trị, hỗ trợ tâm lý, thời gian nằm viện có thể 2 - 3 tháng, thậm chí hơn.