Ngay sau khi kết thúc SEA Games 28 tại Singapore, thể thao Việt Nam đã lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho Olympic Rio de Janeiro 2016 - ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, mới chỉ có 9 vận động viên (VĐV) chắc suất có mặt tại Brazil vào mùa hè năm nay, trong đó điền kinh chỉ có một cái tên duy nhất là Nguyễn Thành Ngưng ở bộ môn đi bộ.
Thật ra, việc Nguyễn Thành Ngưng đạt chuẩn tham dự Olympic 2016 tại giải vô địch đi bộ 20km châu Á tại Nomi (Nhật Bản) hồi cuối tháng 3 được xem là bất ngờ lớn, ngay cả với giới chuyên môn. Ban đầu, mục tiêu chính của tổ đi bộ khi tham dự giải này là để cho chị gái của Ngưng - tuyển thủ đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc đạt chuẩn, còn Thành Ngưng và đồng đội Võ Xuân Vĩnh thì chủ yếu là để tích lũy kinh nghiệm, cải thiện thành tích. Thế nhưng khi vào thi đấu, Nguyễn Thành Ngưng lại xuất sắc vượt qua chuẩn Olympic (thời gian 1 giờ 24 phút), phá kỷ lục quốc gia với thành tích 1 giờ 23 phút 29 giây.
Điều đáng nói, Nguyễn Thành Ngưng ban đầu không nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam nhằm lấy suất tham dự Olympic Rio 2016. Mãi đến khi đã đạt chuẩn Olympic, Nguyễn Thành Ngưng và HLV Trần Anh Hiệp mới được hưởng chế độ theo diện đầu tư trọng điểm kể từ ngày 1-4.
Nếu không tính trường hợp của Thành Ngưng thì hiện tại, ở môn điền kinh, 5/6 VĐV nằm trong diện này là Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Thanh Phúc và Lê Trọng Hinh đều chưa ai đạt được chuẩn Olympic. VĐV còn lại là Nguyễn Thị Huyền đã đạt được 2 chuẩn ở nội dung 400m và 400m rào nữ (56 giây 15) tại SEA Games 28, nhưng thành tích của cô cũng không quá vượt trội so với mặt bằng chung.
Theo quy định của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), kể từ vòng loại Olympic 2016, các VĐV sẽ không thi đấu để đạt chuẩn A (chắc chắn tham dự) hay chuẩn B (nằm trong danh sách chờ) như những kỳ đại hội trước mà chỉ có 1 mức chung là chuẩn Olympic. Những người vượt qua chuẩn này sẽ được xếp thứ tự thành tích từ cao đến thấp và ban tổ chức sẽ chốt số lượng VĐV tham dự từng nội dung, từng môn theo số lượng được phân bổ. Ở nội dung 400m, thành tích 52 giây của Nguyễn Thị Huyền đang xếp thứ 77 nhưng số lượng được phân bổ cho nội dung này ở Olympic 2016 chỉ có 48 người. Con số tương ứng ở nội dung 400m rào của Huyền là 56 giây 15, hiện xếp thứ 52 nhưng chỉ có 40 suất. Theo kế hoạch, trong năm 2016, Huyền sẽ tham dự giải điền kinh quốc tế TPHCM và một số giải khác để cải thiện thành tích và thứ hạng của IAAF. Thế nhưng, thành tích của cô tại 2 chặng trong hệ thống giải Grand Prix châu Á mới đây lại không đủ chuẩn, còn giải tại TPHCM thì Huyền không tham gia vì chấn thương. Như vậy, việc Huyền có mặt tại Brazil vào tháng 8 tới đây vẫn chưa có gì chắc chắn vì còn phải chờ đến lúc IAAF chốt danh sách vào ngày 12-7 tới.
Từ chuyện của Thành Ngưng, của Huyền, có thể thấy quá trình chuẩn bị cho những sân chơi lớn của bộ môn điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, đang hết sức bất cập. Việt Nam đã hội nhập với sân chơi Olympic từ năm 1980 nhưng mãi đến Olympic 2012 mới có được 2 VĐV tham dự bằng suất chính thức là Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ) và Nguyễn Thị Việt Anh (nhảy cao), còn lại đa số đều tham dự bằng suất đặc cách, vốn dành cho những quốc gia kém phát triển.
Có lẽ vì quen với cách đi bằng cửa hậu ấy nên ngay cả khi đã có hẳn chiến lược và sự đầu tư trọng điểm như tại Olympic 2016 lần này, điền kinh Việt Nam vẫn trầy trật khi kiếm vé đi bằng cửa chính!
PHI HẢI