Ngày 9-11, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp (DN) theo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010 và thảo luận ở hội trường về báo cáo này.
Đã thấy rừng chứ không chỉ thấy cây
Báo cáo của UBTVQH giám sát việc thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và DN theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tiến hành ở các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở; thuế; hải quan) cho thấy, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện các quy định về TTHC, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đồng tình với báo cáo giám sát, ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng: “Chúng ta đã thành công trong việc có bộ dữ liệu về TTHC ở 4 cấp, đã giảm được 30% TTHC và việc Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tăng chúng ta 10 bậc xếp hạng từ 88 lên 78 chứng minh những kết quả này đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân”.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) khi ông ví von: “Cách đây 10 năm, chủ yếu vẫn là khâu nào biết khâu đó, ngành nào biết ngành đó. Đề án 30 đã cho chúng ta thấy rừng, chứ không chỉ thấy cây”.
Trong suốt một ngày làm việc, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại cả trong hệ thống pháp luật và bộ máy thực thi liên quan đến TTHC.
“Kết quả nêu trên mới là bước đầu, một số lĩnh vực vẫn còn nhiều TTHC rườm rà, chồng chéo, chưa hợp lý, nạn cửa quyền, hách dịch còn nhiều, tiêu cực, tham nhũng khá phổ biến. Đây là những nguyên nhân làm cho các DN mất thời cơ, làm cho chi phí tăng lên và làm cho khả năng cạnh tranh yếu đi và dân vẫn còn kêu ca nhiều”, ĐB Cao Sỹ Kiêm nói.
Ông Kiêm cũng cho biết, trong việc xếp hạng của thế giới, “người ta xếp hạng mình ở top 10 chỉ có 3 nội dung: một là ở thủ tục thành lập DN, hai là cấp giấy phép xây dựng, ba là vay vốn tín dụng. Người ta cũng nêu rất đầy đủ những yếu kém, những tồn tại, những lĩnh vực khác chúng ta còn xếp vào loại rất khiêm tốn, thậm chí có những loại ở hàng cuối cùng”.
Người dân, doanh nghiệp vẫn phải... "bôi trơn”
ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) thì nhận định: “Hiện nay, nhiều trách nhiệm về TTHC lẽ ra của cơ quan công quyền đã bị “đẩy” cho dân. Ví dụ, quản lý hộ tịch, hộ khẩu là việc của cơ quan Nhà nước, nhưng khi người dân cần thì họ hay bị yêu cầu phải cung cấp các thông tin về vấn đề này”, ĐB Thanh nói. Một nhược điểm lớn nữa là các cấp chính quyền chưa xây dựng được hệ thống lưu trữ thông tin điện tử, gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch TTHC, khiến người dân rất vất vả khi thực hiện các TTHC.
ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cũng cho rằng: “Người dân vẫn rất sợ khi đến làm thủ tục ở các cơ quan Nhà nước. Họ phải đi lại nhiều lần, mỗi lần đến là một lần chờ đợi. Đối với DN, việc “bôi trơn” là câu chuyện tuy không ai nói ra, nhưng ai cũng phải biết và phải làm. Cán bộ công chức thì sẵn sàng nhận tiền hối lộ, coi đó như là một “thủ tục hành chính”.
Nhiều ví dụ có sức thuyết phục từ thực tế quản lý đô thị lớn nhất cả nước (TPHCM) đã được ĐB Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM phân tích để chỉ rõ những điểm được và chưa được của khung khổ pháp lý cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy công chức. Mặc dù văn hóa ứng xử của đội ngũ công chức gần đây đã có nhiều chuyển biến, giảm thái độ ra lệnh, cửa quyền... song theo ĐB, đây đó vẫn rơi rớt tình trạng “3 không, 3 khó: không cười, không giải thích, nói với dân không chủ ngữ; cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi”. ĐB đề nghị định kỳ tổ chức khảo sát, thăm dò mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về cải cách TTHC.
Trong phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị QH cần sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật một số đạo luật, pháp lệnh nhằm đảm bảo việc thực thi CCHC được tiến hành suôn sẻ. Tương tự, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cũng cần rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp.
Phó Chủ tịch QH đề nghị các tầng lớp nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tích cực vào công tác giám sát thực hiện CCHC. QH sẽ xây dựng nghị quyết về CCHC và thông qua tại một phiên họp khác trong kỳ họp này.
Phan Thảo - Anh Thư