Quốc hội và biển Đông

Hôm qua, 24-6, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành chương trình của kỳ họp. Đây là một kỳ họp đặc biệt, vì diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt khi mà hòa bình, an ninh đang bị đe dọa nghiêm trọng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Dù 3/4 thời lượng của kỳ họp này là dành cho công việc lập pháp, nhưng 1/4 còn lại, và nhiều hơn thế đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành cho các vấn đề phát sinh nóng bỏng hiện nay mà nhân dân, cử tri cả nước đòi hỏi. Trong đó, nổi cộm nhất vẫn là vấn đề biển Đông. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh trong lời phát biểu bế mạc: “Đến diễn đàn này, hòa chung nhịp đập trái tim với đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị ĐBQH đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc”. Dù không có trong chương trình nghị sự đã chuẩn bị trước, Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Bên hành lang Quốc hội, trong các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội, có cơ hội là các ĐBQH lại lên tiếng về vấn đề biển Đông. Thậm chí, trước khi Quốc hội bế mạc vài ngày, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa của TPHCM đã phải “xin lỗi” Quốc hội vì phát biểu lạc đề trong một phiên thảo luận về nội dung không liên quan, để được một lần nữa thể hiện thái độ của mình về vấn đề biển Đông. Điều đó cho thấy, các ĐBQH đã hòa chung nhịp đập trái tim với đồng bào, chiến sĩ cả nước, sục sôi lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Dù Quốc hội không ra tuyên bố hay nghị quyết về vấn đề biển Đông, nhưng trong phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Đông, làm tổn hại sâu sắc tới tình hữu nghị, đoàn kết láng giềng của nhân dân 2 nước Việt Nam -Trung Quốc. Như vậy, thái độ của Quốc hội là rất rõ ràng khi đã mạnh mẽ lên án hành động của Trung Quốc. Điều này làm an lòng phần nào sự mong chờ của cử tri, nhân dân, ĐBQH.

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII có thể được coi là kỳ họp đặc biệt bởi thấm đẫm lòng yêu nước của ĐBQH, của cử tri, nhân dân. Chưa bao giờ, những hiến kế, góp ý của các ĐBQH về xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ, không lệ thuộc vào quốc gia nào, chủ động cạnh tranh và hội nhập để tăng thêm sức mạnh nội tại lại trở lên rõ ràng như vậy. Chưa bao giờ trong các phát biểu của ĐBQH, các giải pháp của Chính phủ lại đậm đặc sự quan tâm, chăm lo cho ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư - những người từng ngày đang đấu tranh gìn giữ chủ quyển biển đảo. Trên nghị trường đã có những phát biểu run lên vì giận dữ trước hành vi xâm lấn chủ quyền; đã có những giọt nước mắt khi nói về ngư dân, nông dân; đã có những giục giã đầy tâm huyết về một kịch bản chủ động cho nền kinh tế, về những giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền... Quyết định dành 16.000 tỷ đồng đầu tư cho ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư ngay trong kỳ họp này là một minh chứng, thể hiện sự hòa quyện trong nhịp đập trái tim của Quốc hội, Chính phủ, đồng bào.

Tất cả những điều đó làm nên dấu ấn kỳ họp thứ 7 của Quốc hội - một kỳ họp thấm đẫm lòng yêu nước. Và vì vậy, đông đảo cử tri, nhân dân đều mong chờ sau kỳ họp, Chính phủ, các vị tư lệnh ngành, các ngành các cấp sẽ hành động khẩn trương, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục