Quý 1 nhiều khả năng tăng trưởng thấp hơn kịch bản

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, trên cơ sở số liệu thực hiện 2 tháng đầu năm 2019, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm 2019 là 6,58% so với cùng kỳ năm 2018. Đối chiếu với kịch bản tăng trưởng lần 1 được xây dựng vào cuối tháng 11 năm 2018, tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý 1 của kịch bản theo phương án thấp (6,76%).
Các quý còn lại trong năm sẽ phải tăng trưởng cao hơn kịch bản mới đảm bảo đạt mục tiêu
Các quý còn lại trong năm sẽ phải tăng trưởng cao hơn kịch bản mới đảm bảo đạt mục tiêu

Như vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả ở trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh để các quý còn lại của năm 2019 trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng.

Cụ thể, ở phương án cao (GDP cả năm 2019 tăng 6,8% so với năm 2018), GDP quý 2, 3 và 4 phải tăng lần lượt là 6,77%; 7,13% và 6,7%. Ở phương án thấp (GDP tăng 6,6% so với năm 2018), GDP quý 2, 3 và 4 tăng lần lượt là 6,55%; 6,89% và 6,4%.

Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, không có dự án vay mới ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được ký kết. Giá trị giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tính đến ngày 25-2-2019 ước đạt 100 triệu USD, xấp xỉ mức giải ngân so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy tính lũy kế giải ngân ước đạt khoảng 179 triệu USD, giảm khoảng 24,4% so với cùng kỳ.

Bộ này nhấn mạnh, tháng 3 là tháng cuối cùng của Quý I, cần phải hết sức tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương được đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biến động của đồng đô la Mỹ, đồng Nhân dân tệ và giá các mặt hàng như xăng dầu, thịt lợn, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra. Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo hướng thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ trong cùng thời điểm, hạn chế điều chỉnh vào các tháng cuối năm để tránh tác động tới chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước và tăng lạm phát kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục