“Quý thành phố”, tại sao không?

Sau 3 năm, lần đầu tiên tốc độ tăng GDP (Tổng sản phẩm trong nước) của quý 1 (năm 2024) tăng cao nhất với 5,66%. Song, dấu hiệu “sức khỏe yếu” của nền kinh tế bộc lộ rõ khi tăng trưởng tín dụng còn thấp (chỉ ở mức 0,26%), thị trường bất động sản vẫn “ngộp” do các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ hết.

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng gia tăng đáng kể, chỉ trong quý 1 có đến 73.900 doanh nghiệp rút khỏi thị trường so với 59.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Dù những bước đi “đưa Nghị quyết số 98/2023/QH15 (của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) vào cuộc sống” rất đáng ghi nhận, nhất là trong những việc đôn đốc, kịp thời áp dụng các quy định mới để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thiết lập được “thang” kỷ cương công vụ. Song, cũng chỉ mới là giai đoạn tiền kiến tạo nên tính thẩm thấu trong các chính sách chưa sâu; mức độ phát huy trong thực tế chưa nhiều. Chưa kể một số vướng mắc ở cấp độ trung ương vẫn chưa được tháo gỡ triệt để nên còn chậm.

Một trong những lực cản tiếp tục được nhận diện là: các nhóm giải pháp, biện pháp đều đã được xây dựng, triển khai từng bước theo lộ trình tháo gỡ, giải quyết, song, ngay trong bộ phận thực thi, tức mỗi cán bộ có dám làm như “dám nghĩ”, dám thực hiện đột phá như đã hạ quyết tâm. Lãnh đạo thành phố một mặt ban hành các biện pháp “đối trị”, mặt khác trực tiếp “bảo lãnh” bằng chính trách nhiệm chính trị của mình để thúc đẩy hành động thực thi, song vẫn có một số tác động nằm… ngoài thành phố. Vì thế, rất cần có những đối thoại, trao đổi để đi đến thống nhất ở cấp có thẩm quyền trong việc xử trí về mặt Đảng hay về chức trách quản lý nhà nước, pháp luật…

Mà một tín hiệu vui mới đây, cụ thể là tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 (tổ chức ngày 25-3), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho hay Bộ Chính trị vừa họp cho ý kiến và thống nhất về chủ trương đề án tháo gỡ khó khăn với các dự án ở một số địa phương sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và có bản án. Điều này sẽ giúp minh định sai phạm thì phải bị xử lý nhưng cũng cần tháo gỡ những vướng mắc để khai thác nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư.

TPHCM nằm trong nhóm thí điểm và cả hướng mà Chủ tịch Quốc hội đang gợi mở là tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B, C. Điều này nếu hiện thực hóa được thì sẽ như cách thức thành phố đang áp dụng thí điểm là tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thực hiện song song với xây lắp, trong đó một số thủ tục liên quan công tác bồi thường sẽ làm đồng thời với quá trình chờ phê duyệt nghiên cứu khả thi dự án đã giúp tăng tốc tiến độ các dự án (mà dự án đường Vành đai 3 TPHCM là một ví dụ).

Các thí điểm trên nếu áp dụng toàn diện, triệt để ở quý 2 thì sẽ gỡ rối được nhiều dự án cho thành phố. Song sẽ không dễ khi một lần nữa, thanh chắn chủ quan là tâm lý cán bộ vẫn chưa thông suốt mạnh mẽ; 2 bản quy hoạch thành phố vẫn phải chờ đến quý 3 mới có thể được phê duyệt. Cùng với đó là các bộ luật về đất đai (sửa đổi), xây dựng, tổ chức tín dụng tuy đã được thông qua nhưng vẫn chưa chính thức đi vào thực tiễn, hoặc nếu có thì lại cần một độ trễ nhất định để có thể xử lý hay hoàn thành các dự án đang bị vướng mắc.

Vì thế, thiết thực và cụ thể nhất, quý 2 sẽ là “quý thành phố”, tức nên chọn làm mẫu 1-2 dự án (ưu tiên các dự án an sinh) trong thẩm quyền xử lý và giải quyết của thành phố để trong khi chờ vẫn chuyển động nhằm thúc đẩy những chuyển đổi, có ích cho thí điểm cơ chế, có lợi cho người dân, nhà đầu tư…

Tin cùng chuyên mục