Từ 1-7, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế mới

Quyền lợi của người bệnh được “mở” tối đa

Quyền lợi của người bệnh được “mở” tối đa
Quyền lợi của người bệnh được “mở” tối đa ảnh 1

Bệnh nhân có thẻ BHYT được chạy thận tại Bệnh viện Nhân Dân 115.

Như tin đã đưa, Nghị định 63 của Chính phủ về ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế (BHYT) mới đã mở ra rất nhiều quyền lợi cho những người tham gia BHYT. Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV báo SGGP đã khẳng định: Với chính sách BHYT mới, chúng ta đã cơ bản đạt tới mục tiêu an sinh xã hội, thực hiện công bằng, hiệu quả trong khám chữa bệnh (KCB)...

Khám chữa bệnh ở nước ngoài cũng được thanh toán
- Phóng viên: Xin ông nói cụ thể từ 1-7 năm nay, thêm những đối tượng nào được tham gia BHYT bắt buộc?

- ÔNG NGUYỄN ĐÌNH KHƯƠNG: So với chính sách BHYT hiện hành, chính sách BHYT mới đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Cụ thể, toàn bộ người nghèo thuộc diện khám chữa bệnh theo Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ; thân nhân sĩ quan quân đội nhân dân đang tại ngũ; thân nhân sĩ quan nghiệp vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ… Tổng cộng các đối tượng mới được nhà nước cấp kinh phí để mua BHYT sẽ tăng từ 15 đến 18 triệu người.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản chuẩn bị xong việc cấp phát thẻ mới để sẵn sàng thực hiện cấp đồng loạt vào ngày 1-7 tới.

- Người có thẻ BHYT sẽ có thêm quyền lợi mới gì, thưa ông?

- Quyền lợi của người tham gia BHYT được nới rộng hơn rất nhiều, mà theo tôi gần như đạt tới mức tối đa. Cụ thể, ngoài các quyền lợi hiện hành, người bệnh được thanh toán toàn bộ các chi phí điều trị và phục hồi chức năng trong thời gian điều trị tại cơ sở KCB; trường hợp người tham gia BHYT sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao có chi phí lớn cũng được quỹ BHYT thanh toán (nhưng không vượt quá tỷ lệ và mức thanh toán theo quy định - sẽ được Bộ Y tế ban hành danh mục trong thời gian tới).

Đặc biệt, những người thuộc diện nghèo, chính sách xã hội, ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa sẽ được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến.

- Thưa ông, KCB ở nước ngoài cũng được thanh toán BHYT?

- Đó là một điểm rất mới của chính sách BHYT lần này. Cụ thể là, người có thẻ BHYT nếu KCB theo yêu cầu riêng như tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh, cơ sở KCB, tự chọn các dịch vụ y tế hoặc vượt tuyến; KCB tại cơ sở y tế không có hợp đồng KCB với cơ quan bảo hiểm xã hội; KCB ở nước ngoài, cũng được thanh toán chi phí theo giá viện phí hiện hành của cơ sở y tế nhà nước và theo tuyến chuyên môn kỹ thuật phù hợp với quy định của Bộ Y tế cũng như phạm vi quyền lợi được hưởng theo quy định (Bộ Y tế sẽ có quy định cụ thể về điều này).

Thậm chí, người có thẻ KCB theo đúng tuyến đã đăng ký tại cơ sở y tế tư nhân cũng được thanh toán chi phí theo giá viện

Quyền lợi của người bệnh được “mở” tối đa ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Khương

 phí của cơ sở y tế nhà nước ở tuyến tương đương. Người có thẻ được lựa chọn cơ sở KCB thuận lợi với nơi cư trú hoặc công tác và có quyền được thay đổi nơi khám.

Như vậy, trong khi mức đóng BHYT không hề thay đổi, thì với chính sách mới, người có thẻ BHYT được hưởng thêm rất nhiều quyền lợi mới. Rõ nhất là có nhiều khoản chi phí điều trị rất lớn đã được đưa vào chi trả, giảm phần lớn gánh nặng cho người dân.

Dành toàn bộ 2.200 tỷ đồng kết dư để chi trả cho người bệnh
- Thưa ông, từ trước đến nay, người dân vẫn thường quan niệm rằng KCB bằng thẻ không bảo đảm chất lượng…

- Cũng có thể là do từ trước đến nay, chúng ta quy định mức trần KCB bằng BHYT. Vì vậy, chính sách mới đã bỏ trần thanh toán, đồng thời bỏ luôn cơ chế người bệnh cùng chi trả 20% chi phí KCB, tức là quỹ BHYT sẽ thanh toán toàn bộ chi phí KCB cho người dân.

Vấn đề này tạo nhiều thuận lợi cho người có thẻ, nhất là đối với những người KCB ngoại trú. Mặt khác, chính sách mới cũng cho phép các cơ sở y tế ngoài công lập đủ điều kiện được KCB cho người có thẻ, tức là người dân hoàn toàn có nhiều cơ hội để lựa chọn các dịch vụ y tế.

- Từ trước đến nay, số tiền kết dư của Quỹ BHYT thường rất lớn, vấn đề này sắp tới sẽ được giải quyết ra sao?

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục có đề nghị với Bộ Y tế mở rộng quyền lợi cho người bệnh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hạn chế kết dư của Quỹ BHYT. Năm 2004, kết dư của quỹ BHYT đã giảm rất nhiều so với năm 2003, cụ thể năm 2004 BHYT thu 2.100 tỷ đồng nhưng đã chi hết 1.900 tỷ đồng, chỉ còn dư 200 tỷ đồng.

Bây giờ thực hiện chính sách BHYT mới, người bệnh không cùng chi trả 20% chi phí KCB, lại mở rộng nhiều khoản chi mới, chắc chắn kết dư sẽ rất ít, thậm chí có ý kiến còn lo không đủ quỹ. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, do lương tăng lên mức thu BHYT cũng sẽ tăng, vì vậy trong các năm tới vẫn sẽ bảo đảm được thu chi của quỹ BHYT.

Đúng là hiện nay quỹ BHYT kết dư tới 2.200 tỷ đồng, điều này cũng đã được báo chí nhiều lần phản ánh và Quốc hội chất vấn ngành y tế. Nhưng tôi xin nói rõ là: chính sách BHYT cũ cho phép hàng năm trích 5% từ Quỹ BHYT để làm quỹ dự phòng. Vì vậy liên tục từ năm 1992 đến nay con số này được cộng dồn và hiện lên tới 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc thực hiện chính sách mới, quỹ BHYT sẽ phải thanh toán rất lớn, nên toàn bộ số kết dư này sẽ được dùng vào việc chi trả cho người bệnh.

- Thưa ông, việc thực hiện chính sách BHYT mới sẽ được triển khai như thế nào?

- Kể từ 0 giờ ngày 1-7-2005 trở đi, người có thẻ được thanh toán 100% chi phí KCB. Đối với các bệnh nhân điều trị trong thời điểm giao thời chuyển giao chế độ BHYT cũng sẽ được thanh toán theo nguyên tắc: chi phí KCB tại thời điểm 0 giờ ngày 1-7-2005 trở về trước thì theo chế độ BHYT cũ; còn sau thời điểm đó được thanh toán theo chế độ mới.

- Bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi cách làm như thế nào để người dân không còn phàn nàn khi đi KCB bằng thẻ BHYT?

- Chúng tôi sẽ tạo điều kiện chủ động về tài chính cho các cơ sở KCB đồng thời sẽ thanh toán trực tiếp cho người tham gia BHYT theo phí dịch vụ, định suất, nhóm bệnh... Để được bảo đảm mọi quyền lợi thì khi đi KCB mọi người cần lưu giữ đầy đủ các loại giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.

- Xin cảm ơn ông.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục