Quyết tâm cải cách

Đảng cầm quyền Saenuri của Hàn Quốc đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội  bổ sung vào ngày 29-4 bất chấp các vụ bê bối hối lộ liên quan đến một số quan chức của đảng này.

Hãng tin Yonhap dẫn kết quả do Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) công bố ngày 30-4 cho thấy đảng Saenuri giành chiến thắng tại 3/4 khu vực bầu cử, chiếm đa số với 160 trong tổng số 300 ghế tại quốc hội. Đảng đối lập Liên minh chính trị mới vì dân chủ (NPAD) không giành được ghế nào, kể cả tại cứ địa truyền thống Gwangju.

Chiến thắng này được xem là bất ngờ vì theo thăm dò trước bầu cử, tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Saenuri ở mức thấp kỷ lục sau nhiều vụ bê bối dẫn đến quyết định từ chức của Thủ tướng Lee Wan-koo. Ông này bị cáo buộc nhận trái phép 30 triệu won (gần 28.000 USD) tiền mặt từ một doanh nhân vào năm 2013. Đây là vị thủ tướng thứ hai dưới thời Tổng thống Park Geun-hye từ chức khi chỉ mới cầm quyền 2 tháng. 8 quan chức của đảng Saenuri cũng đã từ chức vì nhận tài trợ bất hợp pháp hàng tỷ won từ nhà tài trợ Sung Woan-jong từ năm 2007.

Cách đây một năm, chiếc phà Sewol chìm làm hơn 300 người chết, đa số là học sinh, cũng đã đẩy chính phủ của đảng Saenuri vào tình thế khó khăn khi nhiều người dân bức xúc với cách giải quyết hậu quả vụ này. Mặt khác, kinh tế Hàn Quốc cũng đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm.

Một trong những nguyên nhân đưa đến chiến thắng này là từ nỗ lực của Tổng thống Park Geun-hye. Theo Korea Herald, sáng kiến cải cách do nữ Tổng thống Hàn Quốc công bố một ngày trước cuộc bầu cử đã nhận được sử ủng hộ của công chúng. Sáng kiến nhằm loại bỏ văn hóa tài trợ chính trị cũng như giảm đặc quyền trong hệ thống lương làm tăng gánh nặng ngân sách.

Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cũng có kế hoạch cải cách thị trường lao động. Sắp tới, đảng Saenuri chiếm đa số tại quốc hội càng thúc đẩy mạnh hơn các sáng kiến cải cách của Tổng thống Park. Một trong những ưu tiên của Tổng thống Park Guen-hye là giảm dần mối quan hệ giữa các nhà chính trị với các tập đoàn. Vấn đề này đang trở nên nan giải. Bắt nguồn từ lịch sử, sau chiến tranh Triều Tiên và đặc biệt là sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961, các doanh nghiệp Hàn Quốc gắn liền với chính quyền độc tài. Các tập đoàn lớn tài trợ hào phóng cho các nhà chính trị. Đổi lại, họ được nhiều đặc ân như độc quyền, các khoản vay ưu đãi và mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp chiến lược mới mà không sợ thất bại.

Ngoài ra, kế hoạch cải cách tiền lương và lao động sắp tới sẽ ngăn chặn tình trạng tăng lương cho giới chủ các tập đoàn nằm trong tốp 10% số người Hàn Quốc được trả lương cao nhất. Thay vào đó, số tiền này được dùng vào việc tuyển thêm lao động trẻ. Ngoài ra còn có một số điểm đáng chú ý như cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động hợp đồng bằng cách thường xuyên  kiểm tra điều kiện làm việc của họ và nhận lời khuyên từ các chuyên gia lao động; áp dụng hệ thống báo cáo công khai về các tập đoàn lạm dụng các nhà thầu phụ; từng bước tăng lương tối thiểu; mở rộng phúc lợi cho lao động nữ có con nhỏ, dần dần cắt giảm giờ làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 giờ xuống còn 52.

Mặc dù vậy, để kế hoạch này trở thành hiện thực, Chính phủ Hàn Quốc và các liên đoàn lao động cần có thêm nhiều buổi đàm phán để vượt qua các bất đồng, nhất là trong việc cắt giảm giờ làm.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục