Rằm tháng bảy

Vàng mã gánh rong đã tràn ngập phố phường suốt từ đầu tháng bảy âm lịch. Người Bắc nặng về cúng bái cô hồn “xá tội vong nhân”. Người Nam ngả sang “Vu Lan báo hiếu” là lễ tưởng nhớ công lao cha mẹ dựa trên sự tích sư Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục.

Bà mẹ Thanh Đề của sư Mục Kiền Liên lúc sống gây nhiều ác nghiệp, khi chết bị đày xuống hỏa ngục. Mục Kiền Liên thương mẹ mang thức ăn xuống âm phủ nhưng Thanh Đề tham ăn không chia sẻ cho các cô hồn đồng cảnh. Thức ăn hóa lửa và mẹ đói. Nhờ Phật tổ chỉ dẫn, Mục Kiền Liên bèn tăng thêm khẩu phần mang xuống cho chúng sinh cùng thụ hưởng. Nhờ đó, Thanh Đề được no bụng. Sự tích mang đậm triết lý nhân ái vị tha của Phật giáo được người Việt sùng tín đã ngàn năm có lẻ.

Bạn là công chức Hà Nội rủ tôi thăm lại núi rừng phía Bắc. Nơi thời trẻ chúng tôi từng qua lại nhiều lần. Bẵng đi vài chục năm giờ mới có điều kiện để nhớ, bạn bảo cũng chỉ có ngày lễ này là duy nhất trong năm chưa bị méo mó phong tục thành ra những thăm hỏi quà cáp với cấp trên và đối tác làm ăn. Thực ra, quy định hành chính công chức không có ngày nghỉ trong dịp này cũng là một chỉ dấu cho biết nó chẳng quan trọng gì. Người Hà Nội sau nhiều năm chiến tranh, bao cấp cũng nhạt dần chuyện cúng bái những ngày lễ nhỏ. Rủ dăm ba người bạn lên đường vào ngày cuối tuần rất dễ dàng.

Mưa tháng ngâu dùng dằng bên ngoài cửa kính. Con đường cao tốc mới mở lên Lào Cai vắng ngắt kể từ sau ngày công an phục kích bắt tại trận những kẻ “bán đường” cho xe quá tải chạy qua. Bạn cho xe chạy hơn trăm cây số giờ. Những đám mây sũng nước chuyển mình miên man phía chân trời. Con đường như một nét vẽ tinh khôi nối thẳng vào mây. Rất hiếm con đường trên đất nước thoát ra khỏi cái cảnh nhà mặt đường phân lô bán nền nhếch nhác. Đường cao tốc cũng không đi qua thị trấn và TP. Mắt nhìn thoát được hình ảnh nhàm chán con đường đôi mắc đèn cao áp chạy dọc đô thị cả nước như nhau.

Nhưng con đường cao tốc chưa làm xong. Chỉ có những trạm thu phí giao thông là đã hoàn thiện và lập tức bắt tay vào việc bán vé. Đó cũng là thứ duy nhất trên đời bán được ngay từ lúc chưa làm xong. Nhân viên nữ ở trạm trẻ trung xinh đẹp đon đả chào hỏi thân thiện lễ phép cũng là điều chưa từng thấy bao giờ.

Vượt gần năm chục cây số trên quốc lộ 4D vào thị trấn Mường Khương. Con đường quanh co vấn vít trong mây núi. Ngỡ ngàng xanh những thửa ruộng bậc thang ngát hương lúa ra đòng. Giữa trưa, chợ Mường Khương đã vãn khách. Chỉ còn lại những sạp hàng thênh thang bày bán tương ớt đóng chai. Một đặc sản lâu đời nổi tiếng của đất này. Nhà hàng ăn uống lát gạch men sạch sẽ. Thắng cố ngựa, chân giò lợn ỉ Mường Khương hầm nhừ, cá suối rán giòn, cổ hũ lợn xào cần tây, rượu ngô cay nồng uống cùng với gió núi mênh mang chếnh choáng. Con đường vòng cung sang thị trấn Simacai xây dựng mới tinh. Không còn vết tích của những nhà gỗ cổ 2 tầng xinh xắn. Chợ Simacai họp muộn sang chiều trong khuôn viên hàng rào sắt uốn bên con đường rộng rãi dẫn xuống khu hành chính cao tầng. Người Mông gùi măng tươi xuống bày bán dọc theo vỉa hè ngồi lọt thỏm sau những chiếc gùi tre lên nước bóng ngà. Nhỏ nhoi, hiền lành, lạ lẫm. Dường như chẳng ăn nhập gì vào khung cảnh phố phường thị trấn. Họ bỗng dưng cũng trở thành khách lạ trên chính quê hương mình.

Thị trấn Bắc Hà sầm uất cũng không còn vết tích bãi thả ngựa nằm bên khu chợ lòa xòa khói trắng ngày trước. Giờ là đường nhựa lên dốc xuống đèo vỉa hè bê tông thẳng tắp. Nhà hàng, khách sạn chăng đèn kết hoa diêm dúa và tranh cổ động nhiều màu án ngữ những khoảng lớn ở ngã tư. Rượu ngô Bản Phố mang về những can nhựa trắng xếp cao như núi trong mấy cửa hàng chuyên doanh. Chủ cửa hàng tiếp thị loại rượu để lâu năm nhất trong nhà. Cũng phải mua về để ở nhà mình thêm ngần ấy năm nữa thì mới uống được.

Lần đầu tiên đi du lịch chúng tôi không dừng lại Sa Pa. Thị trấn chìm trong sương bảng lảng cất giấu những đổi thay làm an lòng đám du khách đã từng mòn chân ở chốn này. Theo đường quốc lộ 279 vượt qua đèo Ô Quy Hồ lúc mặt trời còn uể oải trong màn sương trắng đục. Những thác nước nhỏ như sợi chỉ trắng buông chùng bên vách Hoàng Liên Sơn tĩnh mịch xanh. Tiếng ve rừng cuối mùa thấp thỏm giận hờn trong thung vắng. Bạn dừng xe ở thành phố Lai Châu mới nằm bên Phong Thổ sau khi thị xã cũ đã chìm trong lòng hồ thủy điện Nậm Nhùn. Tôi bấm điện thoại gọi chú em cán bộ giao thông Lai Châu làm hoa tiêu cạn. Tỉnh lộ 128 lên Sìn Hồ mùa mưa vẫn sạt lở đều đặn như vài chục năm trước. Cần phải có một hoa tiêu bản địa mới mong tránh được những cung đường bị vùi lấp tắc nghẽn. Chú em cầm lái đưa chúng tôi đi vào con đường núi quanh co nhỏ hẹp.

Bạn hào hứng phát hiện ra một bất ngờ. Mục đích của du lịch bây giờ hình như chính là những cung đường đi qua chứ không phải là nơi cần đến.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục