Ràng buộc và giám sát quyền lực

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2025. 

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được nhắc đến là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên xuốt đã được đề ra và thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ của Đảng. Kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đến nay, tất cả các nhiệm kỳ, nghị quyết Đại hội đều đề cập đến nội dung này. Mục đích là nhằm cho bộ máy của Đảng được củng cố, trong sạch, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà nhân dân và lịch sử giao phó. 

Trong nhiệm kỳ XII, Đảng đã để lại dấu ấn là kiên quyết chống tham nhũng, đưa ra xét xử những vụ án lớn, trong đó có cả những cán bộ đảng viên sai phạm giữ những trọng trách quan trọng, trên quan điểm không có “vùng cấm”. Điều này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và giúp nhân dân vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Trong nhiệm kỳ XIII của Đảng, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến việc phải tăng cường giám sát trong Đảng. Đây là điều đáng chú ý. Giám sát ở đây có 3 nội dung chính. Thứ nhất là tự giám sát trong nội bộ Đảng, các cơ quan Đảng tự giám sát lẫn nhau. Thứ hai là giám sát trong hệ thống, đó là trên giám sát dưới, các cơ sở giám sát lẫn nhau. Thứ ba là nhân dân giám sát các hoạt động của Đảng. Trong 3 khâu trên thì việc giám sát của nhân dân là rất quan trọng.
Cán bộ đảng viên của Đảng trước hết họ cũng là công dân, cùng sống, cùng sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, vì vậy, họ luôn bị dân giám sát. Nhỏ như cái kim, sợi chỉ có thể thu giấu được nhưng biệt thự, trang trại, ô tô, đất đai, con cái du học... thì không thể che giấu, qua mắt người dân. Thực tế cho thấy, những vụ việc sai phạm của nhiều cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương trong thời gian qua phần lớn đều được phát hiện bởi nhân dân và truyền thông, báo chí. Nhờ có nhân dân, truyền thông phản ánh mà Đảng đã kịp thời kiểm tra và xử lý.
Một cơ chế giám sát mạnh trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng cũng là cách để xây dựng nên những cán bộ đảng viên tốt. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Nhờ thực hiện nguyên tắc “dụng nhân như dụng mộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được đông đảo những người có đủ đức độ, tài năng tham gia Chính phủ khi nước nhà vừa mới giành độc lập; phát hiện, huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ trở thành các nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng và Nhà nước.
Nhưng cũng cần phải hiểu là trong kinh tế thị trường, đồng tiền tác động đến cán bộ đảng viên thường xuyên hơn, khác với ngày xưa khi kinh tế thị trường còn hạn chế, tiêu cực ít. Do đó, các tổ chức đảng càng cần phải quan tâm sâu sát hơn đối với cán bộ đảng viên của mình. Công tác cán bộ là then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Cán bộ có tốt thì mọi sự mới tốt. Trong đó, quan trọng nhất là giám sát để người cán bộ đảng viên làm đúng vai trò, trọng trách của mình, không thể lạm dụng quyền lực và tha hóa. Để ràng buộc và giám sát quyền lực, cần phải lấy pháp luật để ràng buộc quyền lực, lấy đạo đức để ràng buộc quyền lực, lấy quyền lực để ràng buộc quyền lực và lấy nhân dân để ràng buộc quyền lực. Ở đây, vai trò nhân dân là rất quan trọng, tức là phải có tự do, dân chủ để người dân thực hiện quyền của mình.

Tin cùng chuyên mục