Rõ phân cấp quản lý hơn cho các bộ, ngành

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Việc đẩy mạnh phân cấp quản lý trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ; đồng thời, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương.

Có thể thấy, Chính phủ đã thêm một bước để đẩy mạnh việc phân cấp quản lý ở bộ, ngành nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay. Thực tế vừa qua, nhiều ý kiến vẫn phàn nàn về việc còn chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, đến khi có việc xảy ra không biết quy trách nhiệm ở đâu.

Đơn cử, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia tăng dự trữ, việc tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 3 được quyết định quá nhanh và cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn khi Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động bắt đầu từ lúc 0 giờ đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Sự việc này thể hiện sự nóng vội trong tham mưu của những bộ liên quan với Chính phủ. Đó là lý do các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ trách nhiệm tham mưu, phương pháp điều hành của các bộ, ngành trong việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới. 

Thực tế, người dân còn bức xúc với vấn đề giá thịt heo nhảy múa bất thường kéo dài thời gian qua; chưa kiểm soát được giá một số mặt hàng thiết yếu; chưa có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi gom hàng, thao túng giá, trốn thuế... Hay như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Con số cần giải ngân hiện lên tới 700.000 tỷ đồng. Nếu được giải ngân tốt sẽ có ý nghĩa lan tỏa rất mạnh trong khôi phục và phát triển kinh tế, là động lực chính cho sự tăng trưởng trong năm nay. Nhưng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là bài toán chưa giải được. Theo nhiều chuyên gia, để sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công 2020, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, gắn trách nhiệm với người đứng đầu và điều chuyển vốn kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương. Muốn thế phải phân cấp rõ ràng quản lý ở các bộ ngành, địa phương, nâng cao trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, người đứng đầu. 

Trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra thực tế, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập. Có hiện tượng thêm giấy phép và thủ tục hành chính, tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên, chưa thực sự thực hiện phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất trung bình từ 3- 4 năm cho việc chạy lòng vòng để lo các thủ tục đầu tư, khiến họ hụt hơi, nản chí. Do đó, nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương.

Một trong các giải pháp mà Nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ đưa ra là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực để loại bỏ các quy định phải có ý kiến chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quy định bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và đã được phân cấp quản lý. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp… Nếu thực hiện nghiêm Nghị quyết 99/NQ-CP, phương pháp điều hành, vai trò tham mưu của các bộ, ngành sẽ hiệu quả hơn trong giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội.

Tin cùng chuyên mục