Trong đó, nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo tham gia triển lãm, gọi vốn tại buổi giới thiệu chương trình Upshift mới đây cho thấy nhiều tiềm năng, nếu được hỗ trợ có thể ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Những bạn từng tham gia Upshift chia sẻ về quá trình khởi nghiệp
Ý tưởng từ cuộc sống Thiết bị vòng tay theo dõi và cảnh báo sớm cơn co giật động kinh của nhóm Sitracker là một minh chứng. Đây là thiết bị giúp lưu trữ các thông tin, hồ sơ bệnh án của người dùng và phát tín hiệu cầu cứu khi lên cơn động kinh để những người xung quanh kịp thời giúp đỡ. “Trong quá trình lên ý tưởng, nhóm đã có tham vọng sẽ tạo ra một thiết bị hoàn toàn tự động phát tín hiệu cầu cứu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Nhận thấy kỹ thuật còn hạn chế nên nhóm quyết định tích hợp các tính năng trên thông qua nút bấm trên thiết bị”, một thành viên của Sitracker chia sẻ. Sau quá trình ươm tạo, phát triển cũng như nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia, vòng tay của Sitracker đang dần thu nhỏ kích thước để có thể đưa vào sử dụng thực tế. Nhóm cũng đã phát triển thành công phần mềm quản lý vòng tay trên điện thoại. Nhóm Wisheyes mang đến chương trình Upshift thiết bị đọc sách cầm tay cho người khiếm thị. Trước đó, nhóm Wisheyes đã thực hiện cuộc khảo sát về cuộc sống cũng như công việc của những người khiếm thị và nhận thấy phần lớn đời sống của họ còn ở mức thấp. Nhóm nhận định, muốn cải thiện tình trạng đó phải giúp người khiếm thị tiếp cận nhiều kiến thức lớn hơn. Thông qua thiết bị đọc sách cầm tay, Wisheyes kỳ vọng đối tượng học sinh, sinh viên khiếm thị tiếp cận với nhiều nguồn sách báo hơn để nâng cao kiến thức và các kỹ năng sống. Trong khi đó, nhóm các bạn sinh viên khiếm thị The Light đã mang đến Upshift giải pháp tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra cho giáo viên tại các trường hòa nhập có học sinh khiếm thị đang theo học. Các buổi sinh hoạt và hoạt động của dự án này đã diễn ra rất thành công và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các trường và thầy cô. Một dự án khác được cộng đồng rất quan tâm là dự án Phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực cho học sinh tiểu học của nhóm các bạn sinh viên X- Generation. Dự án này giúp trẻ em 5 - 14 tuổi có thêm kỹ năng và kiến thức thông qua kết hợp với sân chơi thực hành, giúp các em ghi nhớ một cách hiệu quả nhất về các hình thức lạm dụng tình dục. Qua đó, các em biết cách tự bảo vệ chính mình. Hỗ trợ toàn diện Upshift hiện là một trong số ít chương trình hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp hướng đến nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam. Theo đại diện chương trình Upshift, nhóm đối tượng yếu thế ít có cơ hội cạnh tranh công bằng và tiếp cận với các kiến thức khởi nghiệp. Ngoài ra, do tự ti và sống khép kín nên các bạn thiếu kỹ năng mềm để có thể điều hành tốt các dự án. Nhưng hơn ai hết, chính các bạn hiểu rõ các vấn đề trong cộng đồng mình nên có thể đưa ra được các ý tưởng giải quyết sát với thực tế hơn, có giá trị hơn. Để tiếp cận hỗ trợ và hướng dẫn nhóm đối tượng này cũng là một vấn đề lớn đối với ban tổ chức chương trình Upshift. Chương trình đã liên hệ và tổ chức trên 80 buổi giới thiệu tại các mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn TPHCM. Sau những buổi tập huấn đó, những ý tưởng khả thi được chọn vào vườn ươm sẽ có các chuyên gia (đến từ các quỹ đầu tư hoặc quản lý các công ty khởi nghiệp, các tổ chức phi chính phủ) đồng hành hỗ trợ. Mỗi nhóm/ý tưởng được hỗ trợ 20 triệu đồng vốn khởi động, cùng với đó là đào tạo các kỹ năng chuyên sâu (kỹ năng làm việc nhóm, marketing, quản lý dự án, quản lý nhân sự, quản lý tài chính,…). Upshift cũng mời những chuyên gia hướng dẫn chuyên môn (chuyên gia tâm lý, bác sĩ…), nếu cần thiết, trong vòng 3 tháng. Sau giai đoạn vườn ươm, những dự án xuất sắc tiếp tục được tạo cơ hội trình bày trước các nhà đầu tư. Bạn Nguyễn Hữu Toàn, bị khuyết tật vận động, thành viên của nhóm Black and White với dự án Thư viện điện tử dành cho sinh viên khiếm thị, chia sẻ: “Tham gia cùng Upshift, em tự tin hơn về bản thân, cởi mở hơn rất nhiều vì mình đã làm được gì đó để giúp đỡ mọi người xung quanh. Hiện em cùng các bạn trong nhóm vẫn đang tiếp tục thực hiện, phát triển dự án dưới sự hỗ trợ rất nhiều từ các thành viên chương trình Upsift”. Cũng theo Hữu Toàn, các bạn trẻ khác khi tham gia chương trình với những dự án khởi nghiệp vì cộng đồng cũng có cơ hội tiếp cận với nhóm đối tượng yếu thế để hiểu hơn về họ. Từ đó, đặt ra cách giải quyết những vấn đề mà nhóm đối tượng yếu thế gặp phải.
Chương trình Upshift do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phối hợp cùng Mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam (VYE) thực hiện. Chương trình phi lợi nhuận này nhận sự bảo trợ của Sở KH-CN TPHCM, hướng tới việc giúp các bạn trẻ từ 14-24 tuổi, đặc biệt tạo điều kiện cho các bạn thanh thiếu niên khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương có được nền tảng, kỹ năng và kiến thức để khởi nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Những năm qua, Upsift đã tiếp cận 1.724 bạn trẻ thuộc nhóm yếu thế.