Chưa rõ nguyên nhân tồn dư cadimi
Theo số liệu từ Bộ NN-MT, trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 120-130 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn (khoảng 20% kế hoạch đề ra). Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt hơn 50.000 tấn, với kim ngạch hơn 500 triệu USD.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị trả về chủ yếu do khi kiểm định phát hiện có chứa 2 chất cấm là vàng O và cadimi. Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cho biết vàng O là chất được các doanh nghiệp “truyền tai” nhau sử dụng để nhúng trái sầu riêng vào tạo màu vàng đẹp thay vì dùng bột nghệ. Công đoạn thực hiện nhanh hơn và giảm chi phí, tuy nhiên, đây là chất độc hại đối với sức khỏe con người.
Đối với chất cadimi lại khá phức tạp. Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chất cadimi (cadmium, Cd) là một kim loại nặng, độc hại. Để kiểm soát cadimi trong trái sầu riêng nói riêng và cây ăn trái nói chung, người nông dân cần phải tuân thủ trồng trọt theo hướng bền vững, không lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, không để tình trạng khi thu hoạch xong mới kiểm định cadimi. “Tồn dư cadimi trong trái sầu riêng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác”, PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Ghi nhận thực tế, người nông dân cũng hết sức “lờ mờ” về việc tồn dư cadimi trên trái sầu riêng. Ông Lê Kim Kha (trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông chỉ dự đoán có thể đến từ việc sử dụng nhiều phân lân trong quá trình xử lý gốc sầu riêng, làm nhiễm lên trái khi thu hoạch. Hiện nay, người dân nhắc nhau hạn chế sử dụng phân lân để giảm nguy cơ nhiễm cadimi vào trái sầu riêng, nhưng hiệu quả hay không thì chưa biết.
Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nhận định, nguyên nhân khiến sầu riêng bị nhiễm cadimi còn có thể do canh tác trái vụ. Vì sầu riêng có giá trị cao vào mùa nghịch nên người dân thường cố gắng ép cây ra hoa trái vụ, điều này dẫn đến việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, khiến các chất này tích tụ trong đất và nước. Bên cạnh đó, một số nơi người trồng còn sử dụng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả càng làm trầm trọng thêm tình hình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dữ liệu chính thức nào xác định rõ cadimi nhiễm ở khâu nào, từ đất, nước hay vật tư nông nghiệp.
Sầu riêng Thái thông đường, sầu riêng Việt bị vướng
Cũng từng bị “dính” kiểm định về hàm lượng cadimi và chất vàng O như sầu riêng Việt Nam, nhưng đến thời điểm này sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc đã thuận lợi. Theo truyền thông Thái Lan, mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã quyết định tăng cường nhân lực và thời gian kiểm định sầu riêng 24/7, đây được xem là “luồng xanh” cho sầu riêng. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù bị tạm ngưng xuất khẩu sầu riêng nhưng Thái Lan đã kịp thời hoàn chỉnh quy trình tự kiểm nghiệm trong thời gian ngắn, tất cả là nhờ Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã nước này đứng ra làm đầu mối, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ doanh nghiệp.
“Tôi đã yêu cầu khẩn trương triển khai các nhiệm vụ cụ thể gồm: soạn thảo và ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về quy trình cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; thiết lập chương trình giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm áp dụng riêng cho sầu riêng xuất khẩu; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nội dung để làm việc với cơ quan chức năng của phía Trung Quốc trong chuyến công tác sắp tới của bộ, mở rộng các nội dung hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường”.
Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy
(Phát biểu ngày 8-5 tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sầu riêng xuất khẩu)
Vấn đề đặt ra ở đây, vì sao cho đến thời điểm này Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bị đình trệ? Nguyên nhân đầu tiên đến từ phía nhà vườn. Ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, kể, khi doanh nghiệp xuất khẩu đến vườn mua sầu riêng thỏa thuận được xét nghiệm trái, nếu không có tồn dư cadimi sẽ thu mua với giá cao, nhưng hầu hết chủ vườn không chịu, vì cho rằng nếu không may mẫu sầu riêng mang mẫu xét nghiệm có chất cadimi, doanh nghiệp sẽ không mua, thông tin lọt ra ngoài thì nhà vườn không biết bán sầu riêng cho ai.
Một nguyên nhân nữa là sự vào cuộc chậm trễ của cơ quan chức năng. Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ công khai chi phí kiểm nghiệm cadimi và chất vàng O của các Trung tâm kiểm nghiệm được Trung Quốc và Việt Nam công nhận, bởi chi phí kiểm nghiệm hiện nay theo kiểu thỏa thuận, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu chi phí quá cao, đây là điều bất hợp lý. Ngoài ra, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư Trung tâm kiểm nghiệm tại địa phương để thuận tiện trong việc thẩm định và cấp chứng nhận chất lượng sầu riêng. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang chưa có phản hồi. Một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, Trung tâm kiểm nghiệm có vốn đầu tư lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ chi phí thực hiện. Chưa kể thủ tục cấp phép khá phức tạp, phải được cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc chấp thuận.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT) cho biết, hiện cả nước đang có 15 Trung tâm thí nghiệm (lab) kiểm tra cadimi (Cd) và 9 Trung tâm kiểm tra chất vàng O, nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cà Mau (1 trung tâm), Cần Thơ (2 trung tâm), TPHCM (3 trung tâm); Tây Nguyên và Đông Nam bộ vẫn chưa có phòng kiểm nghiệm nào. Đến thời điểm này, cả 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O trong sầu riêng đã được cơ quan chức năng của Trung Quốc công nhận.
Cũng theo ông Hiếu, việc xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế đòi hỏi vốn lớn, cần đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, được đào tạo bài bản về kiểm nghiệm chất vàng O và cadimi, tức là không phải đầu tư xong là có người vận hành ngay được. Tiếp theo, thủ tục phê duyệt cũng không phải dễ, phải được cả Việt Nam và Trung Quốc công nhận.
Tây Nguyên sắp vào vụ sầu riêng
Thời điểm này gần cuối vụ sầu riêng ở khu vực ĐBSCL, coi như một vụ mùa thất bát. Trong khi đó, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên đang sắp vào chính vụ, với diện tích khoảng 45.000ha, dự kiến sẽ thu hơn 500.000 tấn sầu riêng. Sầu riêng của vùng Tây Nguyên sẽ thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm (vùng duy nhất trên thế giới có sầu riêng thời điểm này) nên là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Thái Lan, Malaysia. Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên chưa có đơn vị kiểm tra cadimi và vàng O trên trái sầu riêng.
Ông Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thông tin, hợp tác xã có 200ha trồng sầu riêng, đầu tháng 8 bắt đầu thu hoạch. Hiện hợp tác xã rất lúng túng, nếu không xuất khẩu được thì đưa vào cấp đông sầu riêng hoặc phối hợp với các trung tâm xúc tiến thương mại tại các địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Đà Nẵng… để bán cho khách du lịch. Chắc chắn sức tiêu thụ và giá thành sẽ không như kỳ vọng.