Trong buổi làm việc với đồng chí Trương Tấn Sang, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, UVBCT Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã nêu 4 bài học của TPHCM rút ra sau 1 năm thực hiện cuộc vận động.
Thứ nhất, nhận thức của người đứng đầu, của cấp ủy phải được lan rộng ra toàn Đảng bộ, toàn xã hội. Thứ hai, lồng ghép cuộc vận động với các nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp. Thứ ba, vai trò của người đứng đầu. Thứ tư, sự tham gia tích cực, chân tình thẳng thắn của đông đảo nhân dân (SGGP ngày 4-4-2008).
So với cả nước, TPHCM là một trong những địa phương triển khai cuộc vận động rầm rộ và đều khắp. Trong Đảng, trong dân; ở phường, ở cơ quan, trường học; trí thức, công nhân và cả tiểu thương… đều được học tập. Hình thức học tập rất cũng phong phú, đa dạng: học qua phim, ảnh, tài liệu, nói chuyện chuyên đề; học qua những cuộc thi kể chuyện, qua những câu chuyện về đời hoạt động của Bác; học ngay cả trong các buổi… liên hoan văn nghệ khu phố. Sau học là làm - tùy theo vị trí công tác, mỗi người - từ cán bộ đương chức đến đảng viên hưu trí - đều xây dựng kế hoạch hành động với những mục tiêu cụ thể, thời gian cụ thể - 6 tháng, 1 năm; có nơi còn đặt ra mục tiêu phấn đấu đến từng tháng, từng quý…
Việc triển khai đều khắp như vậy đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo đánh giá của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Xuân Biên: “Cuộc vận động đã thức tỉnh, cảnh tỉnh, nhắc nhở từng người, từng tổ chức quan tâm nhiều hơn đến giữ gìn, rèn luyện đạo đức, nên phần nào đã có tác dụng ngăn chặn, giảm bớt những vi phạm đạo đức. Các ngành thuế, hải quan, công an, quản lý đô thị, đất đai, đặc biệt là giáo dục, trong năm qua có nhiều chuyển biến tốt, vụ việc tiêu cực giảm…”.
Tuy nhiên, nhìn vào thực chất, dường như vẫn còn không ít vấn đề “đứng ngoài” quỹ đạo của cuộc vận động. Đó là tình trạng quan liêu nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí công quỹ, bè phái, tư lợi… trong hệ thống công quyền; những hiện tượng “thiếu trách nhiệm” đến mức vô cảm trong việc điều hành, xử lý, ra quyết định, khiến công việc, công trình, lĩnh vực bị đình trệ, gây tác hại - nhẹ thì một bộ phận, nặng thì cho cả xã hội….
Để cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, trước tiên là cán bộ lãnh đạo, là người đứng đầu phải có nhận thức đúng. Mọi công dân đều phải “sống và làm việc theo pháp luật”. Những chuẩn mực về đạo đức của Hồ Chủ tịch cũng chính là phù hợp với những chuẩn mực quy định pháp luật. Do vậy, “học và làm theo”, đối với người lãnh đạo, trước hết là sự gương mẫu – gương mẫu trong lối sống, trong hành vi ứng xử, trong quyết định hành động; là dám nhìn thẳng vào sự thực, nắm đúng vấn đề, thấy sai thì dám sửa.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cũng đã chỉ rõ: “Học tập làm theo tấm gương Bác Hồ là dù có đau đến mấy chúng ta phải nhìn vào sự thật, từ đó mới có những biện pháp hữu hiệu”.
Vấn đề thứ hai, phải gắn cuộc vận động vào thực tiễn. Các nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội… không thể chỉ là khái niệm. Điều đó phải được thể hiện thông qua việc giải quyết những vấn đề bức xúc từ cuộc sống: chống tham ô lãng phí đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, chống quan liêu, thủ tục phiền hà trong các cơ quan hành chính, chống học giả bằng thật, ngồi nhầm lớp, chạy theo thành tích đối với ngành giáo dục…
Vấn đề thứ ba - người đứng đầu - từ cấp cao nhất của đất nước đến cấp cơ sở - vừa có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, vừa là người thực hiện. Tuy nhiên, có không ít nơi, người đứng đầu chỉ làm vai trò chi phối - rao giảng mà “quên” đi vai trò “học và làm theo”. Một khi người đứng đầu không gương mẫu “làm theo” thì cả cơ quan, đơn vị cũng làm… chiếu lệ. Chính những điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc vận động - theo đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Vấn đề cuối cùng - sự tham gia tích cực của nhân dân là một nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của cuộc vận động. Mỗi người dân không chỉ học và làm theo những chuẩn mực đạo đức của Bác Hồ trong cuộc sống hàng ngày mà còn qua tấm gương của Bác để “soi” vào hành động, tư cách, phẩm chất của những người lãnh đạo gần gũi nhất với mình; sẽ phát hiện được ai xấu ai tốt, trân trọng bảo vệ người tốt và đấu tranh, vạch mặt người xấu. Họ làm điều đó cũng là để bảo vệ Đảng vững mạnh, bảo vệ chính quyền trong sạch.
Để cuộc vận động đi vào chiều sâu hơn nữa, tạo sự chuyển biến chất lượng hơn nữa, UBND TPHCM đã phát động đợt cao điểm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bắt đầu từ hôm nay – ngày 5-4-2008 đến ngày 5-6-2008 với những chỉ tiêu cụ thể cho mỗi cơ quan đơn vị, ngành trong TP.
Sau hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động, với việc rút ra những bài học sâu sát thực tiễn, với ý chí và quyết tâm của TP Anh hùng mang tên Bác, chắc chắn cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở TPHCM sẽ thành công, sẽ “làm lành những khuyết tật cho từng cán bộ đảng viên” của Đảng bộ TPHCM - như lời gửi gắm của Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang…
Trung Tâm