SEA Games hay Olympic?

Năm 2015, làng thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ sôi động với 2 sự kiện, một gần và một xa: Gần là SEA Games 28 được tổ chức rất sớm vào đầu tháng 6; xa là những đợt thi đấu tìm vé dự Olympic 2016 diễn ra tại Brazil vào mùa hè 2016.
 
Cách đây đúng 1 năm, sau SEA Games 27, lãnh đạo ngành thể thao đã xác định sẽ chuyển hướng đầu tư vào các môn trọng điểm để thi đấu tại các đấu trường thế giới sau khi nhiều môn thi đấu đã có thành tích vượt tầm Đông Nam Á. Tuy nhiên, tại Asiad 17, thành tích thi đấu của TTVN lại không được như ý, không cải thiện nhiều so với kỳ Asiad 4 năm trước.

Ngoài trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, các vận động viên (VĐV) Việt Nam đều có những bước lùi so với chính bản thân mình. Điều này đòi hỏi ngành thể thao phải quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện chiến lược dài hơi.

Việc SEA Games 28 được nước chủ nhà Singapore tổ chức khá sớm so với thông lệ, đang tạo ra một bài toán khó cho TTVN trong việc chọn điểm rơi cho VĐV cũng như xác định mục tiêu chính là SEA Games hay những đợt tranh tài có xét chuẩn dự Olympic. Nói điều này bởi trong thể thao đỉnh cao, việc chọn điểm rơi cho VĐV rất quan trọng, không đơn giản là nếu thi lần này không đạt, thì cố gắng hơn ở lần tới.

Trước đây, khi SEA Games tổ chức vào cuối năm thì coi như đại hội này trở thành cơ hội cuối để đạt chuẩn dự Olympic. Nhưng lần này lại diễn ra sớm, nếu vì mục tiêu huy chương mà dồn hết khả năng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình thi đấu quốc tế sau đó. Hơn nữa, vì diễn ra sớm nên thành tích tại SEA Games không bảo đảm đạt chuẩn dự Olympic vì có thể sẽ còn nhiều biến động vào những giải đấu kế tiếp.
 
Vậy liệu TTVN có “dám” hy sinh SEA Games để có thời gian tập trung sau cho những giải đấu quốc tế thường rơi vào thời điểm kể từ tháng 6 trở về sau hay không?

Trước mắt, khá nhiều người nghi ngờ điều này. Minh chứng là việc tổ chức Đại hội TDTT lần thứ 7 vừa qua một lần nữa cho thấy bệnh thành tích vẫn còn quá nặng nề. Dù biết SEA Games sẽ diễn ra trong tháng 6, thế nhưng cách tổ chức của Đại hội TDTT lại thiên về số lượng thay vì chất lượng, chưa phải là đợt sàng lọc VĐV mà chỉ là cuộc tranh đua thứ hạng của các đoàn, rất khó cho công tác chuyên môn để hình thành nên các đội tuyển tham gia mùa thi đấu 2015.

Rõ ràng, trước SEA Games 28, sẽ không có các giải vô địch quốc gia để tuyển chọn VĐV như thông lệ, trong bối cảnh sẽ gặp nhiều thách thức từ nước chủ nhà Singapore ở khả năng giữ vị trí tốp 3 toàn đoàn.

Điểm yếu của TTVN từ trước đến nay là công tác chuẩn bị và xác định chiến lược phát triển. Nói cách khác, chúng ta không dám chấp nhận hy sinh cái nhỏ để hướng đến cái lớn. Từ Asiad 17 đến SEA Games 28 chỉ có 8 tháng nhưng khi tổ chức Đại hội TDTT lần 7, những tài năng đang ở trình độ thế giới như Kim Tuấn, Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh vẫn phải thi đấu cho đơn vị mình, thay vì họ được đặc cách chuyên tâm tập luyện.

Dù ngành thể thao đã chia đến 6 nhóm môn có mục tiêu khác nhau rõ ràng, nhưng khi vào những giải đấu, lại không thấy sự tách bạch nào. Ví dụ như mới đây, ngay sau Đại hội TDTT lần 7, một loạt ngôi sao của điền kinh thuộc nhóm Asiad, Olympic lại phải tham gia thi đấu tại Đại hội sinh viên Đông Nam Á.
 
Trong giai đoạn chuẩn bị SEA Games 27 - 2013 thì trước đó chúng ta đã rút kinh nghiệm từ kết quả của Olympic 2012. Trước Olympic 2012 thì thể thao cũng đã rút tỉa từ thất bại ở Asiad 16 - 2010. Sau Asiad 17 - 2014, lại chưa kịp rút kinh nghiệm gì thì đã đến SEA Games 28. Suốt quá trình đó, mọi thứ vẫn được diễn ra như cũ, thành tích không có cải thiện đáng kể nào. Đã là VĐV đỉnh cao, quá trình thi đấu thường liên tục, chính vì thế rất cần có chiến lược riêng cho từng môn, từng VĐV mới mong đạt thành tích vượt bậc.

VIỆT QUANG
 

Tin cùng chuyên mục