Siết chặt an toàn tiêm chủng

Ngày 27-9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tăng cường công tác tiêm chủng với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều bất cập, thách thức cần sớm khắc phục đã được chỉ ra tại hội nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay cả nước có 16.609 điểm tiêm chủng. Ước tính số trẻ hơn 1 tuổi cần được tiêm chủng trong năm 2013 là 1.752.273 trẻ, nhưng đến nay tổng số trẻ được tiêm chủng đầy đủ hiện mới chỉ  khoảng 845.094 trẻ (chiếm 48,2%).

Trước nhiều sự cố xảy ra liên quan tới công tác tiêm chủng, trong 2 tháng 8 và 9, Bộ Y tế cùng nhiều địa phương đã tổ chức kiểm tra được hơn 6.600 điểm tiêm chủng. Qua thanh kiểm tra cho thấy, hiện nay công tác tiêm chủng đang tồn tại không ít vấn đề khó khăn, bất cập. Trong đó, xuất hiện nhiều điểm tiêm chủng có cơ sở vật chất không đảm bảo, chật hẹp, xuống cấp, cùng với đó việc sắp xếp thiết bị, bàn tiêm không hợp lý. Tiến độ đào tạo, tập huấn cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng chưa đạt yêu cầu để bảo đảm nhân lực cho tiêm chủng. Đặc biệt nhiều địa phương chỉ có từ 30% - 55% cơ sở tiêm chủng được kiểm tra đủ điều kiện. Một số tỉnh, thành thường tổ chức tiêm chủng vào ngày 25 hàng tháng nên số lượng trẻ được tiêm trong 1 buổi quá đông, khó kiểm soát. Trong khi đó, công tác giám sát của tuyến trên chưa được thường xuyên và mới chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tiêm chủng mang lại lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em. Nhưng thực tế hiện nay công tác tiêm chủng đang tồn tại không ít khó khăn, bất cập, trong đó nổi lên vấn đề về tai biến sau tiêm chủng đang là thách thức lớn đối với Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Do đó, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, với phương châm đặt mục tiêu an toàn trong tiêm chủng lên hàng đầu, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng và tiến hành triển khai toàn diện từ trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, đây là kế hoạch tổng thể bao gồm các hoạt động về thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên toàn quốc sẽ diễn ra trong 2 tháng 9 và 10-2013. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng vaccine tiêm chủng tốt và an toàn nhất, cũng như việc tổ chức tập huấn về quy trình tiêm chủng an toàn cho cán bộ y tế, xử lý và đánh giá phản ứng sau tiêm chủng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tới người dân về lợi ích của tiêm chủng mở rộng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành lập danh sách tất cả điểm tiêm chủng trên địa bàn và tiến hành thanh, kiểm tra. Trường hợp cần thiết thì kiểm tra lại các điểm đã được thanh tra, kiểm tra để xác định tiến độ khắc phục những tồn tại. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào điều kiện của cơ sở tiêm chủng và việc bảo quản vaccine. Dựa trên kết quả thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại trong công tác tiêm chủng của các điểm tiêm chủng trên địa bàn. Phải công bố công khai số điện thoại của điểm tiêm chủng và tên người có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Cùng với đó, Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý dược và các đơn vị liên quan thành lập 2 đoàn và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 tỉnh, về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bao gồm 2 tỉnh khu vực phía Bắc, 2 tỉnh tại khu vực miền Nam, 1 tỉnh khu vực miền Trung và 1 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế tiến hành kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn tuyệt đối, trong quá trình triển khai tiêm chủng, Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên, thực hiện kiểm định mẫu vaccine liên quan khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình đề nghị, từ tháng 10 tới, các địa phương tăng thêm các buổi tiêm chủng để tránh quá tải. Thực hiện đúng quy định tiếp nhận 50 trẻ/buổi tiêm chủng, từ đó có thời gian khám, tư vấn kỹ càng, phát hiện các trường hợp trẻ không đủ điều kiện sức khỏe trước khi tiêm vaccine.

Từ năm 1982, Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em Việt Nam. Hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng các bệnh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản, lao, viêm gan B, tả, thương hàn… Nhờ đó hiện nay, tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 23 lần số ca mắc bệnh, tỷ lệ mắc bạch hầu giảm 167 lần số ca mắc bệnh, tỷ lệ mắc ho gà giảm 428 lần số ca mắc bệnh. Ngoài ra, uốn ván sơ sinh cũng được loại trừ từ năm 2005, bệnh sởi cũng sẽ được loại trừ từ năm 2015.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục