Người dân luôn kỳ vọng vào các tập đoàn kinh tế lớn - những quả đấm thép, những thương hiệu quốc gia nhằm tạo sức bật cho nền kinh tế. Nhưng đến nay, không ít người đã thất vọng bởi như đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từng nói, “những quả đấm thép đang tan chảy”.
Theo ĐBQH Lê Như Tiến, hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do tham nhũng, lãng phí thất thoát, năng lực quản trị doanh nghiệp kém đã dẫn đến hậu quả hoặc đột quỵ hoặc chết lâm sàng, mất khả năng đề kháng trước những cơn bão khủng hoảng, kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao khốn khó. Chính việc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh hiệu quả kém, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước trong những năm qua đã làm giảm sút niềm tin của xã hội, của nhân dân.
Chính vì thế, kiểm toán, thanh tra hoạt động của các tập đoàn, DNNN là yêu cầu thường xuyên được xã hội, các ĐBQH đòi hỏi, nhất là sau các vụ Vinashin, Vinalines và nhiều vụ bê bối khác ở các tập đoàn, DNNN. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nội dung được chú ý trong kế hoạch kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước (vừa gửi xin ý kiến ĐBQH) là sẽ kiểm toán hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tài chính.
Có tới 6 tập đoàn nhà nước trong danh sách dự kiến kiểm toán (tăng 4 tập đoàn so với năm 2012) gồm: EVN, Petro Vietnam, Than - Khoáng sản, Dệt may, Công nghiệp Cao su và Bưu chính Viễn thông. Không dừng lại ở đó, còn có 16 DNNN khác trong danh sách dự kiến kiểm toán, trong đó có Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà... Trong số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán năm 2012. Ủy ban này cũng đề nghị kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) để đưa ra những chính sách, kiến nghị hợp lý đối với mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới.
Kế hoạch kiểm toán 2013 được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chưa nộp ngân sách số tiền 21.000 tỷ đồng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận PVN phải nộp lại gần 11.000 tỷ đồng cho ngân sách (liên quan đến khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà giai đoạn 2009 - 2011) càng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, đến nguồn tăng lương Chính phủ cũng phải tính toán, thu vén, dè sẻn từng khoản thì số tiền cả chục ngàn tỷ đồng mà PVN được yêu cầu phải nộp lại ngân sách từ nay đến cuối năm 2012 là nguồn tiền rất quan trọng. Và điều quan trọng nữa, dư luận đang tự hỏi, Chính phủ phải có cơ chế giám sát tài chính như thế nào, tăng cường kỷ luật ngân sách ra sao để ngân sách nhà nước không bị thiệt do các “ông lớn” cố tình tận dụng cơ hội để dây dưa, chậm nộp cũng như gây nên các sai phạm khác.
Không phải sau khi xảy ra các vụ việc ở Vinashin, Vinalines mà từ trước đó, rất nhiều ĐBQH đã nhiều lần lên tiếng đề nghị phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các tập đoàn, DNNN. Không chỉ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính và rà soát các khoản thu ngân sách với các tập đoàn, DNNN để tránh thất thoát, sai phạm, các ĐBQH cũng như nhân dân cả nước yêu cầu phải thanh tra, kiểm toán hoạt động của các tập đoàn, DNNN nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm nếu có. Bởi, khác với các lĩnh vực khác, khi các “ông lớn” làm ăn đều tính tới tiền triệu USD, trăm triệu USD chứ không phải tỷ đồng tiền Việt. Mà nguồn vốn, tài sản khổng lồ đó đều là tiền ngân sách, tiền thuế của nhân dân, nên để thất thoát là “của đau con xót” vô cùng. Cũng đã có rất nhiều ĐBQH yêu cầu Chính phủ phải đánh giá cụ thể hơn, chi tiết hơn nguyên nhân một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật gây thất thoát lớn tài sản nhà nước, từ đó tìm ra lối thoát cho việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty này có hiệu quả.
Lâu nay, vấn đề lợi ích nhóm đang tồn tại giữa một bộ phận lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với một bộ phận cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý nhà nước đã được dư luận xã hội đặt ra. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu tập đoàn, DNNN, mối lo này ngày càng tăng, đòi hỏi Chính phủ phải khắc phục triệt để. Nhân dân đang yêu cầu, trông đợi Chính phủ khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, kiểm tra - thanh tra hình thức; nâng cao năng lực quản trị, triển khai các biện pháp đồng bộ, chủ động và kiên quyết xử lý vi phạm đến nơi đến chốn, đúng người, đúng địa chỉ, đúng tội theo quy định của pháp luật. Chỉ có như thế mới ngăn được việc tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị đổ xuống sông xuống biển mà vẫn không có ai chịu trách nhiệm...
LÂM NGUYÊN