Siết chặt quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp

Số liệu của Bộ TT-TT cho biết, tính đến ngày 31-7, cả nước có 2.722 trang thông tin điện tử tổng hợp (TTTĐTTH) được cấp giấy phép hoạt động. Trong đó 543 trang do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cấp; 2.179 trang do Sở TT-TT và một số sở khác của các tỉnh, thành phố cấp.

Theo Luật Báo chí 2016, “TTTĐTTH là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

Thế nhưng, nhiều năm qua, tình trạng “báo hóa” TTTĐTTH đã trở nên phổ biến, thể hiện qua việc có rất nhiều TTTĐTTH đặt tên miền, thiết kế giao diện, tổng hợp, cập nhật tin bài như báo điện tử; chuyên nhặt các thông tin giật gân, câu view khiến cho độc giả nhầm tưởng là các báo điện tử. Họ dẫn nguồn từ báo điện tử nhưng không gỡ bài khi bài báo gốc đã gỡ, chờ đến khi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được đề cập trong bài viết phải giao tế, xin xỏ, thậm chí phải chi tiền thì mới chịu gỡ bài. Một số TTTĐTTH khi đi đến các doanh nghiệp mời quảng cáo không được còn dọa dẫm sẽ đăng bài “đánh” doanh nghiệp. Họ sống “trên lưng” của các cơ quan báo chí, của những nhà báo phải lăn lộn với thực tế, chịu khổ cực để tìm kiếm thông tin viết bài trong điều kiện vất vả. Đã vậy, thời gian qua còn hình thành những nhóm thành phần mang danh nhà báo mà người trong nghề gọi là đội “đếm tầng hay IS” trong làng báo, bất chấp mọi thủ đoạn để tìm vi phạm của người dân, doanh nghiệp nhằm “tống tiền” để đổi lại sự im lặng.

Trước thực trạng trên, Bộ TT-TT vừa có công văn gửi Sở TT-TT các tỉnh, thành phố, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các TTTĐTTH; khắc phục tình trạng “báo hóa” TTTĐTTH; tạm dừng cấp giấy phép thiết lập TTTĐTTH với một số nhóm đối tượng để rà soát, chấn chỉnh, xử lý các TTTĐTTH vi phạm và sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp với thực tiễn. Trong công văn, Bộ TT-TT yêu cầu các TTTĐTTH tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài đăng lại từ các báo. Các TTTĐTTH phải có thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan báo chí (không chấp nhận thỏa thuận miệng), về việc cho phép được dẫn lại tin bài. Văn bản thỏa thuận trích dẫn nguồn tin phải nộp về cơ quan cấp phép trước ngày 15-11. Sau thời hạn này, nếu TTTĐTTH nào tổng hợp tin, bài từ nguồn tin không có thỏa thuận bằng văn bản, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Song, chừng đó chưa đủ, cần phải có yêu cầu mang tính ràng buộc rõ rằng nếu vì những lý do khách quan (hay chủ quan) báo gốc đã “hạ bài” thì TTTĐTTH phải lập tức “hạ bài” theo.

Trong bối cảnh trên cả nước đang tích cực thực hiện quy hoạch báo chí phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, thì đòi hỏi cơ quan quản lý phải thật mạnh tay dẹp càng sớm càng tốt tình trạng “báo hóa”, “đăng và chờ để gỡ” trong hoạt động báo chí, mà trước hết là đối với các TTTĐTTH cố tình vi phạm để trục lợi như nêu ở trên.

Tin cùng chuyên mục