Sinh viên ngoại tỉnh: Gian nan tìm chỗ trọ

Mùa tựu trường đang đến gần. Với những sĩ tử ở các tỉnh, một trong những nỗi bận tâm hàng đầu khi nhập học là tìm nơi ăn, chốn ở. Phần lớn các ký túc xá chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số lượng nhất định sinh viên ngoại tỉnh. Do đó, việc tìm kiếm chỗ trọ phù hợp với túi tiền, đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự là thách thức đối với nhiều tân sinh viên.
Sinh viên ngoại tỉnh: Gian nan tìm chỗ trọ

Mùa tựu trường đang đến gần. Với những sĩ tử ở các tỉnh, một trong những nỗi bận tâm hàng đầu khi nhập học là tìm nơi ăn, chốn ở. Phần lớn các ký túc xá chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số lượng nhất định sinh viên ngoại tỉnh. Do đó, việc tìm kiếm chỗ trọ phù hợp với túi tiền, đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự là thách thức đối với nhiều tân sinh viên.

Rất khó tìm một chỗ trong KTX các trường đại học nếu không phải diện ưu tiên.

Rất khó tìm một chỗ trong KTX các trường đại học nếu không phải diện ưu tiên.

Giá phòng tăng nhanh

“Cháy” nhà trọ không chỉ là nỗi lo trong tiềm thức của các tân sinh viên, mà nó còn trở thành một nỗi ám ảnh của họ khi chuẩn bị nhập học. Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 9, hàng trăm, hàng ngàn thí sinh phải đối mặt với cảnh dở khóc dở cười: có tiền nhưng không thể tìm ra phòng để thuê.

Thanh Tùng, quê Vĩnh Long, tân sinh viên của Trường ĐH Sư phạm dù lên TPHCM đã hơn 3 ngày nhưng vẫn chưa thể tìm được phòng trọ, vì giá phòng hiện nay quá mắc, tiền lại không nhiều. Tùng hiện đang ở nhờ phòng với một người anh họ, dù căn phòng Tùng ở đã không thể chật hơn nữa. Suốt cả buổi sáng chúng tôi trong vai thí sinh tỉnh lên TPHCM dự thi dù đã “quần nát” cả khu vực các tuyến đường Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Huỳnh Khương An, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quanh Trường ĐH Công nghiệp nhưng cũng không sao tìm được phòng.

Tất cả các phòng ở đây (từ mặt tiền cho đến trong các ngõ hẻm) đều đã có người thuê và đặt trước. Theo ghi nhận và tham khảo giá cả của chúng tôi, phòng ốc ở đây tuy không lớn, diện tích chỉ từ 12 - 16m2 nhưng giá cả thì không dưới 1,5 - 2,2 triệu đồng/phòng. Bà Thái Ngọc Phương, chủ khu nhà trọ trên nói: “Giờ này mà cháu đi tìm phòng ở gần mấy trường đại học thì tìm làm sao có. Nếu cháu chịu khó ở ghép với mấy anh sinh viên cũ ít ngày cô hỏi giúp cho. Ở đây giờ có tiền cũng không thuê được đâu cháu ạ”.

Các khu vực nổi tiếng về số lượng nhà trọ dành cho sinh viên thuê, gần trường đại học như: đường Dương Quảng Hàm, 26-3, Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), Lê Quang Định, Nơ Trang Long, Bạch Đằng (Bình Thạnh)… chúng tôi tìm “đỏ con mắt” cũng không thể tìm được phòng ưng ý. Trong nội thành khó thuê nhà trọ đã đành, ngay những khu vực quanh làng đại học Thủ Đức, gần Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH TDTT… thí sinh cũng không dễ thuê được nhà. Mặc dù phòng ốc ở đây chất lượng kém, thiếu ánh sáng và không khí ẩm thấp nhưng giá cũng không dưới 900.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước.

Thận trọng với dịch vụ môi giới

Toát mồ hôi nhưng vẫn không tìm được nhà suốt 2 ngày, Hà Thị Linh, quê Lâm Đồng, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế đành “cầu cứu” trung tâm môi giới nhà đất thông qua sự chỉ bảo của một anh xe ôm ở Bến xe miền Đông. Nộp 100.000 đồng lệ phí cho một trung tâm trên đường Nguyễn Văn Lượng, Linh được dẫn đến một chỗ trọ vừa xa, vừa bẩn trong con ngõ sâu hút ở đường Nơ Trang Long. Không ưng ý căn phòng trên, Linh được người của trung tâm đưa đến một căn phòng khác, cũng tồi tàn, nhếch nhác không kém. Chán nản, Linh quay về đòi tiền lệ phí vì trung tâm đã hứa sẽ có trách nhiệm đến cùng nếu không tìm được nhà, nhưng chỉ nhận được một lời nói xẵng: “Có nằm mơ không đấy cô. Mất công dẫn đi xem, không ưng thì thôi, ở đây không làm không công”. Biết là khó đôi co với họ, Linh ngậm ngùi chịu mất tiền.

Trong những ngày đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy một số mánh khóe mà những tay “cò” phòng trọ thường hay áp dụng để móc túi các thí sinh vào thời điểm nóng bỏng này. Đó là họ giả vờ nhiệt tình giúp đỡ các bạn thí sinh đi tìm phòng trọ rồi đòi tiền công, tiền xăng dầu hay lừa chở các em đến một căn phòng nào đó nói là phòng trống, chủ nhà đang cho thuê để lấy tiền công rồi chuồn. Ngoài ra, còn một số đối tượng kiếm tiền dạng môi giới.

Các trung tâm nhà đất, bất động sản đăng quảng cáo về những phòng trọ, ngôi nhà khang trang với đầy đủ điện, nước, quạt, điện thoại ở trên một số tuyến đường như: An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trọng Tuyển... trên báo chuyên quảng cáo, các trang web rao vặt. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít ngôi nhà ấy đều không bảo đảm các điều kiện để sinh hoạt và học tập, nhiều chỗ lại là tụ điểm của dân chơi, nghiện ngập.

Không những thế, “cò” còn dùng chiêu rao thông tin gắn thêm câu: “Miễn trung gian, chính chủ cho thuê” và một số điện thoại cá nhân, nên dù ít nhiều đề phòng vẫn không ít người rước bực vào thân khi lần tìm đến địa chỉ cho thuê. Khảo sát khoảng 10 thông tin dạng trên, chúng tôi thấy 90% các thông tin rao cho thuê phòng treo trên mạng, dán ngoài đường, thậm chí được viết trên bìa giấy cạc tông đều có địa chỉ hướng về các trung tâm môi giới việc làm ma hay “cò” phòng trọ. Vì thế, các tân sinh viên hãy cẩn thận khi đi thuê phòng trọ.

Tiến Nguyễn

Tin cùng chuyên mục