Tại Hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa được tổ chức tại TPHCM, Cục phó Cục SHTT Hoàng Văn Tân cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia vào hoạt động đàm phán các vấn đề liên quan đến STTT trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác với các nước (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định khung về Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU; Hiệp định hợp tác với Liên bang Nga, Chilê)…
Đặc biệt, năm 2010 Cục SHTT đã chính thức đưa “Chương trình đào tạo từ xa về SHTT” (hợp tác với Tổ chức SHTT thế giới) vào hoạt động. Trong năm vừa qua, đã có 2 khóa được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 học viên… Ngoài các hoạt động tư vấn thường xuyên qua hình thức trực tiếp hoặc công văn trả lời, Cục SHTT đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục cần thiết thành lập Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm này ra đời nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp KH-CN cũng như các trường đại học đặt tại đây, tạo nên cầu nối giữa khối nghiên cứu và khối doanh nghiệp, giúp đưa những thành quả sáng tạo có khả năng thương mại hóa cao có thể dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thị trường… Cục phó Cục SHTT Hoàng Văn Tân cho biết thêm như vậy.
Với những nỗ lực trên, trong 5 năm qua, Cục SHTT đã tiếp nhận 64.656 đơn các loại trong đó có 34.736 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, bao gồm 3.895 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích, 1684 đơn kiểu dáng công nghiệp, 27.165 đơn nhãn hiệu quốc gia… Qua đây cho thấy nhận thức về việc bảo hộ các thành quả sáng tạo công nghệ trong xã hội tiếp tục được nâng cao, đồng thời khẳng định chính sách bảo hộ SHTT của Việt Nam đã tạo dựng được lòng tin từ các doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; mối liên kết giữa Cục SHTT và địa phương còn thiếu chặt chẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tế; tại nhiều địa phương hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức, năng lực chuyên môn còn hạn chế…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhấn mạnh, SHTT ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Một trong những hoạt động góp phần tạo dựng, đăng ký, khai thác, quản lý, phát triển và bảo vệ quyền SHTT đó là hoạt động quản lý nhà nước. Để hoạt động này ngày càng có hiệu quả và phát huy vai trò thì cần xác định rõ định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015, từ đó tạo nên sự phát triển mới và có tính đột phá của SHTT, nhằm thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN nói chung giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TẤN BA