Sôi động sinh viên kiếm tiền ngày tết

Tranh thủ kiếm thêm thu nhập
Sôi động sinh viên kiếm tiền ngày tết

Tết Nguyên đán Canh Dần đang đến gần. Trong khi số đông sinh viên (SV) đang háo hức chuẩn bị về quê sum họp với gia đình thì không ít SV chấp nhận đón tết xa gia đình để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, học hành. Nhiều SV còn coi đây là cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc cho mình sau này.

Tranh thủ kiếm thêm thu nhập

Giáp tết, việc làm thời vụ dành cho SV đang thực sự nóng lên do sự gia tăng đột biến của cả cung và cầu lao động. Tại Trung tâm hỗ trợ SV TPHCM, Trần Thị Yến, SV Trường ĐH Bách Khoa (quê Quảng Bình), cho biết đây là năm thứ 2 em ở lại thành phố mà không về quê ăn tết.

“Ngày tết xa quê ai mà chẳng nhớ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải làm thêm để kiếm tiền để phụ giúp bố mẹ ở quê và mua sách vở học tập. Làm việc thời vụ ngày tết tuy cực nhưng bù lại tiền thù lao cao. Nếu chịu khó có thể kiếm được 100.000 – 200.000 đồng/ngày, thậm chí nhiều hơn. Tết năm nay việc làm thời vụ có rất nhiều, mức lương cũng cao hơn nhiều so với ngày thường” – Yến giãi bày.

SV Nguyễn Thanh Ngọc, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, phải ở lại Sài Gòn làm thêm đến ngày cận tết để kiếm tiền mua vé xe và ít món đồ ngày tết cho gia đình. Ngọc tính toán: “Ban ngày em bán hàng tại siêu thị được 70.000 đồng; đêm em làm phục vụ thêm tại nhà hàng, tiệc cưới… cũng kiếm được chừng 5 triệu đồng, đủ cho một mùa xuân ở quê…”.

Sinh viên đăng ký tìm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM. Ảnh: Hồ Thu

Sinh viên đăng ký tìm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM. Ảnh: Hồ Thu

Nguyễn Thanh Minh, quê ở Quảng Nam thì có hoàn cảnh éo le hơn. Cơn bão lũ vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng đối với gia đình em. “Chỉ trong dịp Noel và Tết Dương lịch em đã kiếm được hơn 1 triệu đồng, dịp Tết Nguyên đán em sẽ cố gắng tiết kiệm nhiều hơn nữa để mua đồ dùng học tập và đóng tiền nhà cho học kỳ 2” – Minh mong mỏi.

Còn Thủy, SV ĐH Nông Lâm (quê ở Nam Định) tâm sự: “Về tết cực nhất là chuyện tàu xe, vừa khó mua, vừa đắt. Em chọn cách ở lại để đi làm thêm, vừa đỡ tốn tiền cho bố mẹ vừa kiếm thêm được một khoản để trang trải thêm trong học tập. Năm nay em sẽ xin làm ở Khu Du lịch Suối Tiên”.

Khác với những bạn làm thêm để có tiền về quê ăn tết, Trọng Thắng, SV năm 3 Trường ĐH Y Dược, kiếm tiền chỉ để gửi về nhà. Cả nhà ở tận Hải Dương và cái nghèo đã kéo chàng SV chưa về lại quê lần nào kể từ ngày vào TPHCM trọ học. Số tiền kiếm được từ làm lơ xe, phục vụ nhà hàng không bao giờ Thắng dám dùng để mua vé tàu về quê cho bản thân mình. Thôi thì, “những gói quà, tiền tết của con cũng làm ấm lòng bố mẹ già yếu ở quê nhà”, Thắng bộc bạch.

Không như các SV khác xa quê, đi làm tết chủ yếu là vì thu nhập, Phạm Quang Công, SV Cao đẳng Tài chính Hải Quan, nhà ở thành phố hẳn hoi nhưng vẫn đăng ký làm thêm trong dịp tết. “Đi làm thêm không chỉ kiếm thêm thu nhập, mà còn cơ hội để học hỏi thêm kinh nghiệm làm việc thực tế. Hơn nữa, đồng tiền mình làm ra tiêu xài cũng ý nghĩa hơn” – Công nói.

Nhóm bạn của Như Hoa (Đồng Nai) học Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang cố tìm cho mình một việc làm thêm có lương hậu. Đảo qua nhiều trung tâm giới thiệu việc làm, nhóm bạn phải tìm được việc làm có khả năng kéo dài nhiều ngày nhất để tiết kiệm chi phí phải đóng cho các trung tâm giới thiệu, dù chi phí đó chỉ có 15.000 đồng/đầu việc. Như Hoa tính: “Sinh viên mà, tiết kiệm được đồng nào thì đỡ đồng nấy. Việc thời vụ rất thất thường nên phải tìm kỹ, việc nào càng lâu càng lợi”. Nhóm bạn chỉ đặt mục tiêu kiếm được chừng 1 triệu đồng đủ mua vé xe về quê, một phần mua quà cho ba mẹ.

Mức lương tăng hấp dẫn sinh viên

Theo anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên, Trung tâm hỗ trợ sinh viên TPHCM, tính đến ngày 27-1, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho gần 3.700 SV. Chỉ tính riêng tại Trung tâm hỗ trợ SV TPHCM đã có 453 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng sinh viên làm việc trong dịp tết với trên 5.700 đầu việc.

Công việc khá đa dạng như: giao hàng, phục vụ, thu ngân, giữ xe, giới thiệu sản phẩm, bán vé xe tết tại bến xe, bán hàng, đóng gói bao bì… Hiện tại, vẫn còn nhiều doanh nghiệp cần lao động thời vụ với số lượng lớn như: Công viên nước Đại Thế Giới tuyển 80 SV làm việc theo ca (lương 130.000 – 150.000 đồng/ca); bán hàng tại Siêu thị Co.opMark Nguyễn Kiệm (9.000 - 11.000 đồng/giờ); bảo vệ (lương 65.000 /ca/8 giờ, những ngày tết tăng gấp đôi); tại Metro Hiệp Phú (quận 6) tuyển dụng 160 SV; siêu thị BigC tuyển 180 SV lương thỏa thuận...

Việc làm tết thu hút SV nhiều nhất là bán hàng tại các siêu thị. Mỗi siêu thị thường tuyển 100-200 SV làm bán thời gian, mức thù lao bình quân khoảng 10.000 đồng/giờ, những ngày tết thì tăng cao hơn. Nhiều nhà tuyển dụng rao tuyển với mức lương khá hấp dẫn từ 80.000-250.000 đồng/ngày. Một số đầu việc lương khá cao như cộng tác viên quảng cáo - tổ chức sự kiện, tiếp thị và bán hàng, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phục vụ... với yêu cầu tuyển dụng khá đơn giản: tốt nghiệp 12/12, giao tiếp tốt, năng động, hoạt bát, có phương tiện đi lại... Các ngành nghề này thu hút nhiều SV nhưng nhà tuyển dùng thường có yêu cầu cao: SV có chiều cao tương đối, ngoại hình dễ nhìn, có duyên… Bù lại, thù lao 150.000 đồng/ngày, đột xuất có thể đến 400.000 đồng/ngày.

Theo anh Hoàng, so với thời điểm này năm trước, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị năm nay tăng hơn, công việc đa dạng hơn. Thời gian làm việc cũng linh động, từ làm vài giờ mỗi ngày, đến làm việc theo ca hoặc sản phẩm… Một số đơn vị đưa ra mức lương cao hơn năm ngoái khoảng 30% với các công việc như bảo vệ đường hoa, nhân viên phục vụ nhà hàng…

Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm hỗ trợ SV TPHCM cam kết tuyển đủ số lượng cho các doanh nghiệp nên tránh được tình trạng các công ty đăng ký một loại công việc cho nhiều trung tâm giới thiệu việc làm nhưng khi SV đến nhận việc thì lại hết chỗ.

Hồ Thu - Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục