Để trung du và miền núi Bắc bộ phát triển

Sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH toàn vùng

* Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010”, trong ngày làm việc thứ hai, 10-3, tại Hà Nội.

Theo đồng chí Trương Tấn Sang, để thực hiện thành công Nghị quyết 37, đặc biệt là những mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc bộ so với những vùng khác trong nước, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện này là nhanh chóng hoàn thành việc quy hoạch phát triển KT-XH toàn vùng.

Do thiếu quy hoạch đồng bộ, nên rất nhiều chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH phải sửa đổi quá nhiều lần, làm chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển mọi mặt của toàn vùng.

“Với tinh thần của Nghị quyết 37, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và việc kinh tế đất nước ngày càng hội nhập một cách sâu rộng với kinh tế thế giới; trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH từng địa phương, các chương trình đã và đang thực hiện, Bộ KH-ĐT cần sớm chủ trì, phối hợp với các địa phương, bộ ngành để hoàn thành quy hoạch tổng thể về phát triển KT-XH của toàn vùng đến năm 2010 và tầm nhìn xa hơn. Đây là việc làm bức thiết, cần được hoàn thành trong năm 2007 này…” – đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là tiến hành cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong việc phân cấp để quản lý và thực hiện khai thác các nguồn tài nguyên cũng như việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH.

Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng: trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, nhất là về đất đai và khoáng sản, nhưng hiện nay các tiềm năng đó chưa được khai thác một cách đồng bộ, có hiệu quả.

Vì vậy, Bộ TN-MT cùng các địa phương, bộ ngành cần sớm nghiên cứu để thực hiện việc khai thác những tài nguyên của vùng một cách hiệu quả hơn, có tính bền vững, toàn diện và lâu dài, lấy đó làm động lực cho việc phát triển KT-XH của toàn vùng…

Theo mục tiêu phát triển từ đây đến 2010, GDP của toàn vùng tăng bình quân 11-12%/năm (gấp 1,5 lần so với cả nước). Tuy nhiên, hiện nay trung du và miền núi Bắc bộ hiện vẫn là vùng còn nhiều khó khăn nhất nước, vì vậy theo đồng chí Trương Tấn Sang, các địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn hiện nay, làm sao để đạt được tỷ lệ tăng trưởng GDP cao hơn mục tiêu trên, nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các vùng miền khác trong nước trong thời gian ngắn.

“Với mục tiêu đó, thì toàn vùng vẫn phải mất một thời gian dài mới có thể thu hẹp được khoảng cách hiện nay. Các địa phương, bộ ngành cần phải tích cực, chủ động mọi mặt để có một tốc độ phát triển nhanh hơn nữa.”- đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Trong phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, đề nghị các địa phương trong vùng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn nữa việc cải cách các thủ tục hành chính, lấy đó làm cơ sở để thực hiện thành công các chương trình, dự án cụ thể, từ đó thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 37 đặt ra.

Một vấn đề khác, được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh là đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X).

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh toàn vùng đang được Nhà nước tập trung đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, việc tham nhũng, lãng phí không thể không xảy ra.

Vì vậy, các địa phương, bộ, ngành liên quan không thể xem nhẹ công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Khi làm tốt được vấn đề này, thì việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 37 mới sớm thành công và mang lại những hiệu quả thiết thực cho nhân dân các dân tộc của toàn vùng trung du miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục