Sự cố công trình xây dựng và trách nhiệm của chủ đầu tư

Những ngày qua, các cơ quan truyền thông nói nhiều đến sự cố của công trình xây dựng (CTXD) và đề cập trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng CTXD. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Tại Điều 4 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ quy định rõ: Đối với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách thì việc giám sát, đánh giá đầu tư do người đầu tư quyết định và tổ chức thực hiện. Nội dung giám sát, đánh giá đầu tư bao gồm việc thực hiện dự án của chủ đầu tư theo các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và việc chấp hành quy định của Nhà nước về đầu tư XD; qua giám sát, đánh giá đầu tư, nếu phát hiện các nội dung phát sinh thì phải điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhằm đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của dự án.

Ngoài ra, theo Điều 4 Nghị định 49/2008/NĐ-CP ngày 18-4-2008 của Chính phủ, sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong trường hợp thay đổi thiết kế kỹ thuật nhưng không làm thay đổi thiết kế cơ sở hoặc thay đổi thiết kế bản vẽ thi công mà không làm thay đổi thiết kế bước trước thì chủ đầu tư được quyền thay đổi thiết kế. Ngoài ra, nhà thầu giám sát thi công XD được ký điều chỉnh vào bản vẽ thiết kế thi công đã được chủ đầu tư chấp thuận và phải chịu trách nhiệm về sự điều chỉnh đó.

Từ những quy định trên cho thấy trách nhiệm để sự cố CTXD xảy ra trước hết thuộc về chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn – thi công – giám sát quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động XD. Nói như thế không có nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước không có trách nhiệm trong công tác quản lý chất lượng CTXD. Đặc biệt là ở TPHCM (nơi có số lượng công trình vốn ngoài ngân sách rất lớn và quy mô phức tạp, dẫn đến chủ đầu tư đôi lúc vì chạy theo lợi nhuận mà vi phạm quy định), nếu không thường xuyên kiểm tra, giám sát sẽ dễ xảy ra sự cố. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ giới hạn chủ yếu ở khâu thẩm duyệt, cấp phép, xử lý vi phạm. Điều quan trọng là chủ đầu tư, đơn vị tư vấn - thi công - giám sát phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về XD. Và một khi để xảy ra sự cố CTXD, các nhà đầu tư không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn gánh chịu thiệt hại rất lớn.

Theo quy định, công trình sẽ bị đình chỉ thi công cho đến khi chủ đầu tư thương lượng bồi thường thiệt hại cho các công trình bị ảnh hưởng, đưa ra giải pháp kỹ thuật khắc phục được cơ quan chức năng chấp thuận thì mới được tiếp tục XD. Do chi phí khắc phục sự cố CTXD rất lớn nên thực tế đã xảy ra trường hợp chủ đầu tư phải phá sản, bán cả công trình mà vẫn chưa khắc phục xong. Điển hình như việc XD công trình cao ốc Pacific khiến cho Viện Khoa học xã hội phía Nam kế cận bị sập. Chủ đầu tư đã phải bỏ ra chi phí hơn 50 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, trong đó chỉ riêng việc thuê trụ sở khác cho Viện Khoa học xã hội phía Nam làm việc trong suốt hai năm rưỡi qua đã tốn 200 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, thực hiện nghiêm túc các quy định về XD, tránh để xảy ra những sự cố CTXD vừa là trách nhiệm vừa đảm bảo quyền lợi cho chủ đầu tư.

Nguyễn Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục