Hội xuân Yên Tử năm 2013 khai mạc vào mùng 9 tháng giêng năm Quý Tỵ (tức ngày 18-2), mở đầu mùa hội kéo dài 3 tháng ở vùng đất gắn với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Không chỉ là địa danh tâm linh nổi tiếng, từ lâu Yên Tử còn là nơi làm tốt việc quản lý di tích, quản lý và sử dụng tiền công đức - điều hầu hết các di tích, danh thắng hiện rất lúng túng và cũng là vấn đề mà Bộ VH-TT-DL đang trăn trở tìm mô hình hiệu quả nhất. Dịp này, Báo SGGP đã trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG Quảng Ninh.
- Phóng viên: Yên Tử là một trong không nhiều nơi quản lý tốt tiền công đức và xã hội hóa công trình văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Xin thượng tọa cho biết kinh nghiệm của mô hình này?
>> Thượng tọa THÍCH THANH QUYẾT: Việc xã hội hóa các công trình văn hóa, tâm linh rất có ý nghĩa, giúp có nhiều công trình xứng tầm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, nếu chúng ta biết sử dụng hài hòa, đúng mục đích số tiền công đức thu được. Theo tôi, không nên câu nệ việc giao cho nhà chùa hay chính quyền quản lý tiền công đức bởi nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa. Yên Tử trước kia cũng như nhiều nơi khác, nhà nước quản lý thu chi gần 15 năm nhưng hiệu quả không cao, tiền công đức thu được không đủ chi. Chưa kể, nhiều phật tử muốn gửi tiền cúng dường cho các vị sư trụ trì. Phần lớn số tiền công đức nhà chùa thu được hàng năm, phục vụ công tác trùng tu di tích, các khóa lễ cầu quốc thái dân an, một phần tạo điều kiện sinh hoạt cho tăng ni.
Sau 6 năm thực hiện xã hội hóa ở Yên Tử, bằng nguồn vốn xã hội hóa, Ban Trị sự GHPG Quảng Ninh đã xây dựng chùa Đồng, chùa Bảo Sái, chùa Trình… trị giá gần 200 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến bức tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh nặng 140 tấn được đúc với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm này, theo tôi, chùa nào quản lý tốt thì nên để cho các vị sư trụ trì có uy tín quản lý tiền công đức, còn nhà nước giúp các vị sư trụ trì về mặt quy hoạch, Luật Di sản và quản lý chi tiêu đúng mục đích. Ở những nơi không có sư trụ trì hoặc các ngôi đền chỉ có các vị thủ từ thì nên thành lập ban quản lý (BQL) công đức.
- Năm qua đã xảy ra vi phạm di tích ở một số chùa như chùa Dơi (Sóc Trăng), chùa Trăm Gian (Hà Nội)… Là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam, theo thượng tọa, cần phải làm gì để quản lý tốt hơn các di tích?
Trên thực tế đã có nhiều di tích quốc gia bị xâm phạm mà chùa Trăm Gian và chùa Dơi là 2 nơi cụ thể. Theo tôi, nguyên nhân là do hệ thống quản lý các chùa lâu nay chưa có sự thống nhất, phối hợp tốt với các bộ, ngành. Một số vị sư quản lý di tích nhưng lại không có chuyên môn về Luật Di sản, quy hoạch, kiến trúc. Nhiều chùa còn không có cả BQL. Một số di tích xin nhà nước trùng tu, phải chờ kinh phí quá lâu, trong khi nhiều vị sư vận động được tiền công đức để trùng tu lại tiếp tục xin giấy phép rất vất vả, đi lại lòng vòng, nhiều thủ tục… Do vậy không tránh khỏi xảy ra sự việc đáng tiếc như ở chùa Trăm Gian. Nhưng về mặt giáo hội, GHPG cũng chỉ quản lý các tăng ni về hành chính đạo, không quản lý di tích nên giáo hội phải đứng ngoài cuộc.
Tuy nhiên, nếu cần, giáo hội vẫn sẽ có các ý kiến với các bộ, ngành, các nhà khoa học để có các cuộc hội thảo, nhằm quản lý tốt hơn các di tích văn hóa tâm linh. Còn vụ chùa Dơi cũng không thể trách các vị sư, vì nhà chùa chỉ quản lý di tích trong phạm vi ngôi chùa, còn quản lý về quy hoạch tổng thể là do nhà nước và các ban ngành.
- Quảng Ninh là điểm nóng của vấn nạn khai thác than thổ phỉ. Theo thượng tọa, cần sự phối hợp của BQL di tích và chính quyền địa phương ra sao, để không ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như sự trường tồn của di tích, danh thắng Yên Tử?
GHPG Việt Nam rất lo, nếu không xử lý triệt để nạn khai thác than thổ phỉ thì hậu quả sẽ khôn lường với di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, dù Yên Tử chưa xảy ra rầm rộ nạn khai thác than thổ phỉ. Chúng ta đều biết, than khai thác thì sẽ hết còn giá trị của di tích Yên Tử thì muôn đời, càng khai thác càng có giá trị. Giá trị hữu hình, vô hình, vật thể, phi vật thể, đều có. Vì vậy, không thể cho khai thác than trong lòng Yên Tử, đồng thời phải cấm khai thác xung quanh Yên Tử ở bán kính hàng chục kilômét. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của các Bộ VH-TT-DL, Bộ TN-MT, các cấp ngành, chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Chúng ta phải tập trung trồng rừng, vừa tạo cảnh quan sinh thái, du lịch vừa bảo vệ môi trường, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Mai An (thực hiện)