Cách nay hơn 5 năm, giới vận tải cả nước truyền nhau câu nói vui “Lên xe suất bến một mình, một xe”. Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà có câu nói này… Thời gian ấy, vận tải hành khách bùng phát, “nhà nhà làm xe, người người mua xe”, hậu quả là cung vượt cầu. Bây giờ cơn “sốt” ấy đã hạ nhiệt nhưng vẫn chỉ có những dịp lễ, tết nhiều xe mới có cơ hội xuất bến đầy khách.
Đi liên tỉnh: chỉ 30%-50% xe đầy khách
Một buổi sáng trung tuần tháng 8-2011, Bến xe Miền Đông - một trong những bến xe liên tỉnh lớn nhất TPHCM, khá đông đúc hành khách. Tuy nhiên, sự đông đúc ấy “phân bố” không đều. Ở trước quầy bán vé của các doanh nghiệp (DN) vận tải tên tuổi như Kumho, Mai Linh, Phương Trang… thường xuyên có người đợi mua vé. Ngược lại, ở quầy bán vé ủy thác của các DN nhỏ hoặc chưa có tên tuổi, phải nhờ bến xe bán giùm, thi thoảng mới có người dừng lại. Không giấu giếm, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: “Những DN chưa tạo được dấu ấn tốt trên thị trường vận tải, rất khó thu hút hành khách. Mặc dù bến xe đã nỗ lực giúp đỡ, song trung bình mỗi xe này khi xuất bến cũng chỉ thu hút được khoảng 50% hành khách/tổng số ghế của mỗi xe”.
Nhìn những chiếc xe xuất bến với gần 1/2 ghế trống chúng tôi không khỏi e ngại cho nhà xe. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, lượng hành khách ra, vào Bến xe Miền Đông vẫn được xem là “con số tốt” so với nhiều bến xe khác. Chỉ có khoảng 50% tổng lượng xe ra, vào bến có số hành khách như vậy. Tại Bến xe An Sương, rất nhiều xe phải xuất bến với khoảng 20%-30% số ghế có khách.
Với lượng khách ít ỏi như vậy, các nhà xe “sống” bằng gì? Một tài xế đang làm thủ tục cho xe xuất bến yêu cầu chúng tôi không tiết lộ tên và số xe của anh ta, trả lời “rà rước khách dọc đường”. Ông Nguyễn Ngọc Thừa cho biết tương tự.
Xe taxi: chỉ hơn 50% số kilômét vận doanh có khách
Ông Tạ Long Hỉ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM đưa ra con số này. Tuy nhiên, theo nhiều đơn vị vận tải, mức độ nêu trên chỉ có ở vài DN kinh doanh taxi tên tuổi như Vinasun, Mai Linh… Đa phần các DN nhỏ và chưa có tên tuổi khác, lượng khách chỉ đạt khoảng 30%-35%/số kilômét vận doanh. Thậm chí, trong bối cảnh kinh tế lạm phát, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, số kilômét vận doanh có khách của không ít DN kinh doanh taxi đã tụt xuống còn khoảng 20% và họ buộc phải tìm cách bán bớt xe.
Chuyện xe taxi ở TPHCM quá nhiều rốt cuộc cũng không phải là chuyện mới. Đã nhiều lần Sở Giao thông Vận tải TPHCM muốn tạm dừng phát triển xe taxi để sắp xếp lại cho hợp lý hơn nhưng chưa thực hiện được. Trước mắt, đối với không ít người dân, sự “dồi dào” về nguồn cung cấp xe taxi cũng như xe khách liên tỉnh là một điều tốt. Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Lê Trung Tính đã có một nhận xét: “Đi xe taxi ở TPHCM thật tuyệt vời, xe tốt, kêu dừng chỗ nào cũng được. Xe taxi ở một số nước trong khu vực, ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, xe taxi cũng không mới bằng và việc kêu taxi cũng không dễ dàng. Nhiều người đã phải xếp hàng để đợi xe taxi”.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đó có phải là điều hay? Chuyên gia về giao thông, ông Trịnh Đức Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải nhận xét: Không hay chút nào, sử dụng xe như vậy là lãng phí. Lãng phí cả tiền đầu tư xe và chi phí nhiên liệu. Đó là chưa kể đến một hậu quả nghiêm trọng khác: xe đua nhau giành khách sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra vì lý do nêu trên. Riêng tại TPHCM, xe taxi quá nhiều so với nhu cầu trong bối cảnh thiếu bến bãi còn là một sự lãng phí nhiên liệu lớn gấp nhiều so với bình thường vì xe cứ phải chạy liên tục cho đến khi có khách gọi. Nội việc này cũng là một tác nhân làm cho tình hình ùn tắc giao thông tại thành phố thêm trầm trọng, tác động tiêu cực đến quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Theo ông Lê Trung Tính, kinh nghiệm giải bài toán vận tải một cách hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới là “Nhà nước sẽ tính toán nhu cầu vận tải, sức chịu đựng của hệ thống cầu đường và đưa ra số xe cần đầu tư. Các thông số này sẽ được công khai và đưa ra đấu thầu chọn nhà đầu tư. DN nào có chất lượng phục vụ tốt nhất sẽ được chọn. Như vậy, người dân vẫn có được chất lượng phục vụ tốt nhất mà nhà xe cũng được đảm bảo một khoản lợi nhuận nhất định. Trên hết, xã hội không lãng phí một lượng xe không sử dụng hết công suất, không lãng phí nhiên liệu, không bị mất trật tự an toàn giao thông. |
An Nhiên