Sức mạnh đồng thuận của ASEAN

Biên giới Thái Lan và Campuchia đã im tiếng súng, người dân bắt đầu trở về nhà. Lần này họ đang hy vọng sẽ không tái diễn các vụ giao tranh. Để có được một cuộc ngừng bắn lâu dài, có thể là vĩnh viễn, sẽ còn nhiều việc phải làm. Nhưng bước đầu, đã có những tín hiệu đáng mừng. HĐBA LHQ trong phiên họp hồi tuần trước đã đồng ý để Indonesia, nước đương kim Chủ tịch ASEAN, đóng vai trò trung gian trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Campuchia và Thái Lan.

Hội nghị Ngoại trưởng khối ASEAN nhóm họp tại Indonesia ngày 23-2 đưa đến kết quả mà cả Thái Lan và Campuchia đều đồng ý: Indonesia cử phái đoàn các nhà quan sát tới khu vực biên giới hai nước để giám sát lệnh ngừng bắn. Bằng giải pháp này, ASEAN đang truyền tín hiệu với thế giới rằng, khối này hoàn toàn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình mà không cần phải nhờ tới bên ngoài.

Với những kinh nghiệm từ những phái bộ quan sát tại Timor Leste và tỉnh Aceh của Indonesia, các nước ASEAN tin tưởng rằng Indonesia có thể hoàn thành sứ mệnh quan trọng này. Tờ Jakarta Post cho biết với vai trò quan sát viên của mình, không có nghĩa là Indonesia chỉ dạy cho các nước những gì nên làm mà chỉ bằng trách nhiệm của mình khuyến khích và đảm bảo các nước trong khu vực tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn thành viên của ASEAN, trong đó nhấn mạnh đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Có thể thấy, việc các nước ASEAN chủ động giải quyết tranh chấp tại khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia đã tạo tiền đề mới trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, ASEAN phải hoàn chỉnh 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. APSC được xem là yếu tố quan trọng nhất, theo đó quy định ASEAN là cộng đồng các nước sống chung hòa bình với nhau và với các nước trên thế giới trong một môi trường hòa hợp, dân chủ và công bằng.

Trong những năm qua, cùng với châu Á, vai trò của ASEAN ngày càng nổi bật hơn trên trường quốc tế, trở thành diễn đàn được tất cả các nước lớn trên thế giới chọn làm đối tác quan trọng như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và cả LHQ. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra ở Hà Nội vào tháng 10-2010 khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, hầu hết các quốc gia tham dự đều thống nhất quan điểm ASEAN sẽ là trung tâm của Cộng đồng Đông Á trong tương lai.

Việc HĐBA LHQ đồng ý để ASEAN cử phái đoàn giám sát lệnh ngừng bắn giữa Campuchia và Thái Lan cũng khẳng định uy tín và năng lực của khối trong việc giải quyết bất đồng của khu vực, khẳng định sự tin tưởng của cơ quan quyền lực nhất hành tinh vào ASEAN. Quyết định này cũng khẳng định sức mạnh của nguyên tắc đồng thuận của ASEAN.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, ASEAN đang cần chứng tỏ vai trò của mình. Giải quyết xung đột biên giới Campuchia-Thái Lan vừa là thách thức vừa là cơ hội. Nếu ASEAN thành công trong việc ngừng bắn vĩnh viễn giữa Thái Lan và Campuchia, sẽ càng góp phần củng cố hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.

Giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng luôn là xu thế tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay. Chỉ có thương lượng mới có thể tránh đổ máu, tránh được nhiều hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Những gì đang xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi cho thấy, bạo loạn và xung đột không bao giờ là giải pháp tốt . 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục