Đêm mưa như mọi đêm mùa mưa ở TPHCM; dẫu vậy, sân khấu Nhà Văn hóa Thanh niên vẫn gần kín chỗ khi khán giả mê sân khấu tìm đến một hương vị lạ của sáng tạo nghệ thuật: buổi công diễn vở kịch Búp bê không biết khóc, do nhóm kịch của NSƯT Ngọc Trinh dàn dựng, mà sau khi xem xong có khán giả đồng thời là nhà phê bình sân khấu đã thổ lộ “lần đầu tiên tôi thấy có vở diễn đời vậy, người vậy, mới mẻ vậy”.
Ngoài sự trầm trồ về diễn xuất xuất thần của Ngọc Trinh, người thưởng lãm cũng đánh giá cao kịch bản về đề tài người chiến sĩ công an nhân dân, khi không theo lối mòn, không phá án ly kỳ, không máu chảy đầu rơi mà đi sâu khắc họa tính cách, làm bật nét đẹp đời thường của một con người bình thường làm nhiệm vụ quản giáo tại một trại giam. Vở kịch này được dàn dựng để tham gia liên hoan sân khấu ngành công an nhân dân khi dàn dựng trước ngày dịch Covid-19 tái phát.
Cũng phải hiểu nỗi khổ tâm của nghệ sĩ về số phận long đong của đứa con tinh thần với tâm sự thật lòng: tích cóp tiền cá nhân kiếm được bằng đủ nghề thời Covid-19, đa phần không dính líu tới sáng tạo nghệ thuật để chạy cho ra tác phẩm; từ mua kịch bản hay, tiền công nghệ sĩ, tiền trang phục, tiền đạo cụ và đủ thứ loại tiền không tên. NSƯT Ngọc Trinh và Ngọc Hùng (Giám đốc Sân khấu Thế Giới Trẻ) ngoài tham gia trực tiếp và gián tiếp vào vở diễn còn phải đảm đương vai trò giảng viên lớp diễn viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM nên trách nhiệm nhân đôi. Đêm thi giữa học kỳ của lớp diễn viên, Ngọc Trinh vẫn dự đến phút chót để hôm sau bay ra Hà Nội, dù mệt mỏi nhưng vui vì thành công của lớp học trò kế cận.
Dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi sinh hoạt nghệ thuật. Người nghệ sĩ có thể nghèo tiền bạc nhưng không thui chột sức sáng tạo. Minh chứng là bộ phim Bằng chứng vô hình của đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh, được đánh giá là “phim Việt đáng xem nhất” sau khi dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội lần thứ nhất. Dù được dựng từ kịch bản Hàn Quốc, song phim thuộc thể loại hình sự tâm lý này vẫn cuốn hút nhờ sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu. Ê kíp làm phim đã thuê nguyên huấn luyện viên người Hàn Quốc để huấn luyện chó đóng phim và trực tiếp mục thị cho cô đào Phương Anh Đào lột tả được tâm trạng của người khiếm thị. Dĩ nhiên là để làm được điều này phải tốn kinh phí.
Xét doanh thu ở các phòng vé Việt Nam, do ảnh hưởng của Covid-19 làm người xem ngại đến chỗ đông người, khoản tiền bỏ ra chưa chắc đã thu hồi được (còn trông chờ vào thị trường hải ngoại khi 10 nước và vùng lãnh thổ đã mua bản quyền phát hành), song được làm nghề, sống trong nghề, dù nghề chưa chắc nuôi bản thân một cách sung túc vẫn là hạnh phúc với người làm nghệ thuật. Cứ nhìn người đàn bà nhỏ bé Ngọc Trinh, ta lại hình dung đến Macbeth, người đàn bà có “trái tim con hổ ẩn dưới làn da mịn màng” (một vở của Shakespeare do Ngọc Trinh thủ vai) khi một mình đưa đoàn 14 người ra Hà Nội, phải tiết kiệm từng xu, diễn viên phải kiêm nhiều việc hậu đài,...
Covid-19 vẫn còn hoành hành khắp thế giới khi chưa có vaccine và thuốc chữa hữu hiệu; thị trường lao động sẽ phân hóa, chuyển nhiều qua làm việc từ xa, song lại là thứ yếu trong hoạt động nghệ thuật, vì không thể có được một lớp đạo diễn, diễn viên thành tài nhờ… đào tạo trực tuyến, không có giao tiếp, không cảnh thầy cầm tay trò chỉ đạo diễn xuất... Nhưng, trước mắt hãy tạo ra được một quỹ kịch bản có chất lượng nội dung và nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc.
Mới đây, trong cuộc hội thảo về xây dựng thương hiệu liên hoan phim Việt tại Hà Nội, những người làm nghệ thuật gạo cội của đất nước đúc kết một điều ai cũng biết, là: Muốn thành công phải có phim hay, phim hay mới có liên hoan phim thành công! Mà muốn hay được thì phải có một ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa; phải chấn chỉnh lại từ khâu đào tạo, trường lớp, sàn diễn; phải đưa môn giáo dục nghệ thuật thành môn bắt buộc trong hệ thống trường học phổ thông; người nghệ sĩ phải gắn bó với nhân dân, với hiện thực đất nước, vân vân và vân vân.
Nói văn hóa đi song hành với kinh tế là có nội hàm trách nhiệm cá nhân của người làm nghệ thuật với sự phát triển đi lên của đất nước.