Sức sống của ca khúc cách mạng

Mấy tháng qua, quần chúng yêu nhạc đặc biệt chú ý đến sự kiện đông đảo thanh niên thành phố ta và các tỉnh bạn nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi Hát về thời hoa đỏ do Nhà Văn hóa Thanh niên và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức. Những ca khúc cách mạng ra đời kể từ năm 1930, khi Đảng ta mới thành lập, trải qua hai cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam đến nay, từng làm lay động hàng triệu con tim, giờ đây đang được các bạn trẻ nhiệt tình cất cao tiếng hát. Tuy mới bắt đầu từ tháng tư năm nay nhưng cuộc thi Hát về thời hoa đỏ đã có trên 800 thí sinh tham gia. Khi kết thúc vào tháng tư sang năm, chắc chắn cuộc thi sẽ còn quy tụ thêm nhiều thí sinh hơn nữa.

Vì sao cuộc thi được giới trẻ hưởng ứng rộng rãi như vậy? Điều quan trọng bậc nhất chính là nội dung cuộc thi: Hát những ca khúc cách mạng phản ánh nhiều mặt cuộc sống đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta. Nội dung phù hợp với tinh thần yêu nước, lý tưởng tiến bộ, khát vọng cống hiến và nhu cầu ca hát của đại bộ phận thanh niên hiện nay.

Biểu diễn những ca khúc cách mạng chính là một trong những phương pháp giáo dục tư tưởng tình cảm có hiệu quả nhất đối với người hát lẫn người nghe. Nhân dân ta tự hào có được một nền âm nhạc tiến bộ trong đó có hàng ngàn, hàng vạn ca khúc cách mạng từng là bạn đường gắn bó thân thiết với quần chúng gần một thế kỷ qua.

Trước Cách mạng Tháng Tám, có những nhạc sĩ may mắn sớm tiếp xúc với phong trào cách mạng và yêu nước như Đinh Nhu, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận… Các ca khúc của các ông vang lên như những tiếng kèn xung trận giục giã quần chúng đứng lên đánh đổ bọn cường quyền áp bức, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau ngày Tổng khởi nghĩa 1945 hoàn toàn thắng lợi và từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, như trăm sông đổ về biển cả, đông đảo nhạc sĩ từ những hoàn cảnh hoạt động khác nhau đã tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng, từ đó sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc bất hủ làm vũ khí sắc bén phục vụ nhân dân và đất nước, đánh dấu một trang sử mới của nền âm nhạc Việt Nam.

Suốt chặng đường lịch sử 30 năm chống ngoại xâm đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước của dân tộc ta đã chứng kiến sự ra đời của hàng ngàn, hàng vạn ca khúc cách mạng như những tấm gương phản ánh khá chân thực nhiều mặt của hai cuộc kháng chiến. Chính trong ngọn lửa của cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhân dân ta đã thể hiện những phẩm chất vô cùng tốt đẹp như tinh thần quật khởi ngoan cường, lòng nhân đạo vị tha, tính lạc quan yêu đời… Các ca khúc cách mạng trong giai đoạn này đã góp phần hiệu quả vừa tạo dựng vừa ngợi ca những phẩm chất quý báu ấy. Những ngày kháng chiến ác liệt, chúng ta từng chứng kiến Tiếng hát át tiếng bom, Hát cho đồng bào tôi nghe… Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, đội ngũ nhạc sĩ ngày càng lớn mạnh, ca khúc cách mạng càng có điều kiện ra đời và phát huy tác dụng, phản ánh và động viên tinh thần quần chúng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ca khúc cách mạng của chúng ta không chỉ là những hành khúc rộn ràng, khỏe mạnh, trầm hùng mà còn có những bài ca trữ tình, yêu thương, sâu lắng, đậm đà chất lãng mạn cách mạng, có tác dụng nâng cao tư tưởng, tình cảm, nhận thức, mỹ cảm của quần chúng. Dù có những sắc thái tình cảm đa dạng, phong phú khác nhau nhưng trong ca khúc cách mạng không có chỗ đứng cho những bài ca mang tình cảm chán chường, bi quan, rên rỉ, mất niềm tin ở cuộc sống, giai điệu lai căng, đạo nhạc, ca từ thô tục, chợ búa.

Cuộc thi Hát về thời hoa đỏ đang diễn ra là một sáng kiến hay, một việc làm bổ ích, tạo nên sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, đồng thời là một phương tiện giáo dục tư tưởng tình cảm trong sáng, tiến bộ cho thanh niên một cách hiệu quả, thông qua việc thi hát những ca khúc cách mạng, một loại hình âm nhạc đang có sức sống mãnh liệt, tồn tại lâu dài vượt thời gian và không gian. Mong rằng tổ chức Đoàn Thanh niên các cơ quan, xí nghiệp, trường học, các địa phương quận, huyện, phường, xã cần động viên đoàn viên và thanh niên tiếp tục hưởng ứng rộng rãi cuộc thi Hát về thời hoa đỏ hiện nay. 

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục