Ra Trường Sa, ngạc nhiên và ấn tượng với tôi nhất có lẽ là những các bộ lãnh đạo xã, thị trấn tuổi đời còn trẻ nhưng rất năng động, xông xáo trong công việc. Không chỉ có vậy, tình cảm giữa những cán bộ trẻ ở đây cũng gần gũi, gắn bó như anh em ruột thịt với quân dân trên đảo…
Đến đảo Sinh Tồn, chúng tôi được giới thiệu với Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, Kim Thanh Hoa. Anh sinh năm 1985, nhiệt tình trong công việc và nói chuyện rất có duyên. Hoa cho biết, đã từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện khi còn là sinh viên nên khi ra đảo, Hoa không mất nhiều thời gian để hòa nhập với cuộc sống, môi trường làm việc mới. “Đây là môi trường rèn luyện tốt nhất đối với tuổi trẻ chúng tôi.
Khác với đất liền, ở đây giữa cán bộ và dân không có gì khác biệt. Cũng đi đánh cá, cũng tăng gia sản xuất… Do ít người nên cán bộ làm công tác chính quyền cũng tham gia luôn việc dạy chữ cho trẻ em trên đảo”, Hoa nói. Cùng tình nguyện ra đảo Sinh Tồn còn có một số cán bộ cùng lứa tuổi như Cao Văn Giáp, sinh năm 1984… “Ở đây, cán bộ xã thay phiên nhau dạy học và thực hiện các công việc hành chính ở xã. Bên cạnh đó là giúp đỡ người dân trên xã đảo cách trồng rau, chăn nuôi gia cầm, ổn định cuộc sống. Chúng tôi đem hết lòng nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Chỉ mong quân dân trên đảo có được cuộc sống tốt hơn”, Giáp bộc bạch.
Tại đảo Song Tử Tây, khi làm việc với Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Trần Vũ Lân, thấy anh quá trẻ nên chúng tôi tò mò hỏi chuyện. Lân cho biết, anh sinh năm 1984, quê Khánh Hòa, ra đảo năm 2008, lúc đó mới 24 tuổi. “Tôi vẫn chưa phải là cán bộ trẻ nhất ở đây. Trẻ nhất phải kể đến anh Trương Xứ Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, sinh năm 1987. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Việt và Bí thư Xã đoàn Đoàn Quốc Thái, đều sinh năm 1983. Tất cả chúng tôi ra với mong muốn đem sức trẻ của mình để xây dựng biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn”, Lân nói.
Anh Nguyễn Quốc Thiện, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa sinh năm 1980 rắn rỏi, dày dạn hơn tuổi. Thiện ra đảo Trường Sa Lớn nhận công tác khi vừa cưới vợ được 10 ngày. Việc ra đảo là do anh quyết tâm tìm nơi lập nghiệp, thử thách trên con đường lập thân lâu dài. “Mục tiêu trước mắt là sẽ cùng quân dân trên đảo có đời sống ổn định và phát triển kinh tế của địa phương”, Thiện đặt ra nhiệm vụ cho mình. Không chỉ Thiện mà anh Biền Văn Quảng (sinh năm 1980), Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, sau khi tốt nghiệp đại học đã từ chối nhiều lời mời từ các công ty tin học để ra Trường Sa…
Rời Trường Sa, về đất liền chúng tôi cứ thấm thía và nhớ mãi câu nói của chị Nguyễn Thị Hạnh, một cư dân trên đảo Trường Sa Lớn: “Không đâu cán bộ lại trẻ và nhiệt tình như ở đây. Phó chủ tịch UBND xã đến nhà dạy kèm cho học sinh miễn phí, sửa dùm điện khi hư hỏng. Thậm chí còn ra biển đánh lưới cùng với dân. Hỏi sao người dân nơi đây không thương, không quý cho được…”.
HỒ THU